Trả lời:
Khi mang thai, phụ nữ thường gặp các triệu chứng của thai kỳ phổ biến như mệt mỏi, ốm nghén, thèm ăn hay táo bón, có thể tự nhận biết trong khoảng 4-12 tuần. Tuy nhiên một số trường hợp mang thai không có dấu hiệu nên khó nhận biết.
Thực tế, cơ địa mỗi người khác nhau, không phải thai phụ nào cũng đều có dấu hiệu mang thai điển hình. Đa phần trường hợp không biết thường gặp ở những tháng đầu, song cũng có trường hợp hiếm gặp hơn là thai lớn vẫn chưa phát hiện.
Một số nguyên nhân như độ tuổi mang thai còn nhỏ (trẻ vị thành niên) thiếu kiến thức, người có vấn đề về nhận thức. Ngoài ra, nhiều phụ nữ sử dụng biện pháp ngừa thai trước đó, chu kỳ kinh nguyệt vốn không đều hoặc đã lớn tuổi, nghĩ bản thân không còn khả năng sinh đẻ. Những yếu tố như trước đây như khó mang thai, mắc bệnh lý gây vô sinh, hiếm muộn, thường không tin mình có thai nên bỏ qua.
Không biết mình mang thai có thể gây rủi ro sức khỏe cho mẹ và bé, như không chăm sóc thai kỳ đầy đủ nên không được bổ sung đủ dinh dưỡng, siêu âm, sàng lọc hoặc các hỗ trợ cần thiết khác. Một số bệnh có thể xảy ra trong thai kỳ như thai ngoài tử cung, tiền sản giật, đái tháo đường, đa ối hay thiếu ối... Người mẹ có thể vô tình dùng những loại thuốc hoặc chất kích thích gây hại, nguy cơ sinh non, dị tật cho con.
Một số trường hợp chuyển dạ bất ngờ, sinh con tại nhà, đẻ rơi, không có sự trợ giúp của y bác sĩ, tiềm ẩn nguy cơ sinh khó, băng huyết, đe dọa tính mạng.
Cần quan tâm theo dõi chu kỳ kinh nguyệt, các dấu hiệu thay đổi cơ thể, chủ động thăm khám khi nghi ngờ dấu hiệu mang thai.
Bác sĩ
Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông