Kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán (tháng 7/2014) cho tới cuối năm 2022, cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động luôn được khối ngoại ưu ái và săn đón. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Thế giới Di động thường xuyên ở mức tối đa 49% và hầu như chỉ hở ra do các hoạt động phát hành ESOP, nhưng đều được nhanh chóng lấp đầy ngay sau đó.
Thậm chí, có những giai đoạn khối ngoại còn chấp nhận mua thoả thuận ngoài sàn cổ phiếu này với mức premium rất cao (khoảng 45%). Tuy nhiên, điều này đã không được duy trì khi khối ngoại liên tục bán ra cổ phiếu MWG trong năm 2023, đỉnh điểm là giai đoạn cuối năm ngoái.
Thống kê từ tháng 8 – tháng 11/2023, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng khoảng 77,6 triệu cổ phiếu MWG, tương ứng giá trị bán ròng lên đến gần 3.200 tỷ đồng.
Dưới sức ép xả ròng của khối ngoại, cổ phiếu MWG lao dốc mạnh mẽ từ vùng đỉnh 57.500 đồng/cp (phiên 13/9) về vùng giá 35.100 đồng/cp (phiên 1/11), mức thấp nhất trong gần 3 năm kể từ giữa tháng 11/2020. Cùng với đó, MWG cũng ghi nhận quãng thời gian “hở room” dài nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Thống kê cho thấy, sau hai tháng được khối ngoại mua ròng trở lại thì từ đầu tháng 2 tới nay, khối ngoại có động thái chuyển hướng bán ròng. Cụ thể, từ ngày 1/2 đến hết phiên 26/2, NĐT nước ngoài đã bán ròng hơn 726 tỷ đồng cổ phiếu của Đầu tư Thế giới Di động, đưa trạng thái giao dịch từ đầu năm từ mua ròng thành rút ròng hơn 250 tỷ đồng.
Vì đâu khối ngoại liên tục bán ra cổ phiếu MWG?
Bên cạnh ảnh hưởng bởi diễn biến chung của thị trường chứng khoán, cổ phiếu MWG trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt NĐT ngoại có thể một phần đến từ triển vọng kinh doanh chưa thực sự "sáng cửa".
Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, lợi nhuận ròng của MWG năm 2022 đã có lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ khi niêm yết với mức sụt giảm 16% so với năm 2021, còn 4.100 tỷ đồng. Kết quả này khiến ông lớn ngành bán lẻ không hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đề ra.
Năm 2023 tiếp tục là một năm trầm lắng trong hoạt động kinh doanh khi MWG mang về tổng cộng 118.279 tỷ đồng doanh thu, giảm 11% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 168 tỷ đồng, giảm 96%. Nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm sâu hơn doanh thu do giá vốn cao, biên lợi nhuận thấp. Điều này được lý giải bởi chiến dịch “giá rẻ quá” cho chính MWG khởi xướng hồi đầu năm nhằm tranh giành thị phần, kích cầu mua sắm.
Bàn về động thái bán ròng cổ phiếu MWG của khối ngoại, trong cuộc họp với nhà đầu tư hồi tháng 11/2023, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động cho rằng điều này có thể đến từ sự lo ngại về tình hình kinh doanh của các chuỗi cửa hàng Thế giới di động, Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh.
"Đây là giai đoạn thách thức nhà đầu tư, việc khối ngoại bán ròng và giá cổ phiếu giảm sâu là cơ hội vì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng sẽ trải qua những thời điểm như vậy. Ai có niềm tin sẽ bình tâm, tin tưởng vào hoạt động tái cơ cấu của Công ty và coi đây là cơ hội để mua vào. Còn ai không đủ niềm tin với doanh nghiệp thì có thể bán ra", ông Tài chia sẻ trong buổi gặp gỡ.
Vừa qua, Thế Giới Di Động đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu 125.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.400 tỷ lợi nhuận sau thuế; tăng 6% về doanh thu và gấp 14,2 lần lợi nhuận năm 2023.
MWG nhận định năm 2024 nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức do những diễn biến vĩ mô khó lường trên phạm vi toàn cầu. Công ty lựa chọn chủ động thích nghi với bối cảnh kinh doanh đã và đang thay đối, không đặt nhiều kỳ vọng vào việc sức mua hồi phục khả quan ở giai đoạn này.
Doanh nghiệp dự kiến, nhu cầu mua sắm tiêu dùng nhìn chung đi ngang, thậm chí có thể giảm so với năm 2023 đối với một số mặt hàng không thiết yếu.
Đối với các chuỗi đang kinh doanh, MWG cho hay có thể giảm số lượng điểm bán nếu không mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, công ty sẽ tăng chất lượng phục vụ bằng cách tập trung nâng cao năng suất nhân viên, đầu tư hàng hóa đa dạng, triển khai các chương trình khuyến mãi.