Theo báo cáo chiến lược thị trường tháng 2 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), từ khi thiết lập mức đáy vào ngày 16/11/2022, thị trường đã có nhịp hồi phục thứ hai từ cuối tháng 12/2022, chủ yếu nhờ cú huých tâm lý từ nhà đầu tư nước ngoài cũng như áp lực thanh khoản hệ thống ngân hàng được giãn nhẹ.
Sang tháng 2, nhóm phân tích nhận thấy không có nhiều thông tin trọng yếu tác động lên thị trường. Trong khi đó, mùa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2022 đang diễn ra với số liệu được công bố tương đối kém khả quan so với cùng kỳ.
Số liệu của FiinPro cho thấy tính đến cuối tháng 1/2023, có 753/1609 doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2022 với tổng lợi nhuận giảm hơn 27% so với cùng kỳ, trong đó 12/19 nhóm ngành chứng kiến lợi nhuận suy giảm. Điều này có thể tạo nên tâm lý kém tích cực và áp lực bán khiến chỉ số điều chỉnh mạnh trong một số thời điểm nhất định.
Mặt khác, VDSC cho rằng số liệu kinh doanh kém khả quan trong quý IV/2022 là sự hiện thực hóa về bức tranh kinh tế toàn cầu suy yếu đã được nhìn thấy từ trước đó.
Nhóm phân tích có rằng không có nhiều thông tin hỗ trợ thị trường trong giai đoạn nửa đầu năm, chiến lược giải ngân thận với việc hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ giúp nhà đầu tư bảo toàn danh mục tốt hơn. Ngoài ra, những nhịp đi xuống của thị trường là cơ hội để nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn tối ưu hóa hiệu quả đầu tư trong năm 2023.
Một số cổ phiếu mà VDSC cho rằng nhà đầu tư có thể quan sát giải ngân nếu có nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường gồm GMD, FPT, và QNS.
GMD
Theo dòng câu chuyện M&A thì GMD cũng là cổ phiếu nhà đầu tư có thể quan tâm. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa quốc tế thấp khiến kết quả kinh doanh quý IV/2022 của Gemalink (GML) không đạt kỳ vọng, với mức lỗ ghi nhận trong kỳ là 25 tỷ đồng. Triển vọng kém khả quan của kinh tế thế giới có thể sẽ khiến hiệu quả hoạt động của GML tiếp tục kém khả quan trong những quý đầu năm 2023.
VDSC ước tính lợi nhuận sau thuế ròng của GMD do vậy chỉ tăng trưởng 10% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, câu chuyện thanh lý cảng Nam Hải Đình Vũ có thể là xúc tác cho giá cổ phiếu trong ngắn hạn.
"Thông tin cập nhật gần nhất của chúng tôi là GMD đã nhận đặt cọc và có thể sẽ hoàn tất thương vụ trong quý I/2023. Như vậy, nếu thương vụ được hiện thực hóa, GMD có thể sẽ ghi nhận lợi nhuận đột biến trong quý I nói riêng và cả năm 2023 nói chung. Bên cạnh đó, dòng tiền từ bán cảng sẽ giúp GMD có thêm nguồn vốn bổ sung cho việc xây dựng GML giai đoạn 2", báo cáo cho hay.
FPT
Lũy kế cả năm 2022, FPT vẫn duy trì được mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế hai chữ số, đạt 21% so với cùng kỳ, lên 7.654 tỷ đồng. Triển vọng kinh tế thế giới kém khả quan có thể tiếp tục ảnh hưởng biên lợi nhuận của FPT trong năm 2023 khiến tăng trưởng lợi nhuận dự báo sẽ giảm tốc so với mức tăng trưởng của năm 2022.
Dù vậy, FPT vẫn là một trong những số ít doanh nghiệp lớn mà các nhà phân tích cho rằng có khả năng duy trì mức tăng trưởng lợi nhận cao so với bình quân toàn thị trường. Do đó, khi có nhịp điều chỉnh diễn ra, nhà đầu tư với mục tiêu nắm giữ ba tháng có thể cân nhắc tích lũy cổ phiếu này.
QNS
Xu hướng tăng giá đường sẽ hỗ trợ kết quả kinh doanh của QNS trong nửa đầu 2023. Trong quý IV/2022, mảng đường ghi nhận mức tăng doanh thu và lợi nhuận gộp lần lượt là 7% và 21% so với cùng kỳ, nhờ tăng cả sản lượng và giá bán sau khi có thuế chống bán phá giá đường.
VDSC cho rằng tác động tích cực của thuế này sẽ tiếp tục hỗ trợ giá bán đường trong nửa đầu 2023. Theo đó, lợi nhuận quý I/2023 của mảng đường sẽ tăng trưởng khả quan trên mức nền thấp cùng kỳ, bù đắp cho sự kém sắc của mảng sữa.
Nhìn chung, nhóm phân tích kỳ vọng lợi nhuận hợp nhất của QNS trong quý I/2023 có thể tăng trưởng ít nhất 10%. Giá cổ phiếu hiện tại đang cho mức tỷ suất cổ tức hấp dẫn. Với mức tỷ suất cổ tức tiền mặt 8%/năm theo giá thị trường, QNS có thể là một sự lựa chọn an toàn cho nhà đầu tư trong bối cảnh biến động của thị trường.