Trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhấn mạnh điểm tích cực của tăng trưởng GDP quý III là lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã phục hồi.
Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ duy trì được mức tăng trưởng tương đương quý trước và đầu tư công đã phản ánh vào tăng trưởng kinh tế rõ rệt hơn.
"Tăng trưởng GDP tính chung 9 tháng đầu năm hiện đang là 4,2%, cách xa mục tiêu Chính phủ phấn đấu cho cả năm là 6%. Để đạt được mức tăng trưởng 6% theo chúng tôi là một mục tiêu vô cùng thách thức bởi đòi hỏi tăng trưởng GDP quý IV phải đạt trên 10%", VDSC cho hay.
Với mức tăng trưởng quý III tích cực hơn dự báo, nhóm phân tích nâng dự báo tăng trưởng GDP cả năm lên 5%, cao hơn kịch bản trước đó là 4,7%. Điều này đồng nghĩa với tăng trưởng GDP quý IV ước đạt 7%, trong đó lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 8%, cao hơn mức tăng 5,2% trong quý III, một phần nhờ mức nền thấp của cùng kỳ năm trước.
Báo cáo cũng đề cập đến một số điểm đáng lưu ý trong việc tăng tốc trở lại của lĩnh vực sản xuất công nghiệp là sản xuất các mặt hàng điện tử đã tăng trưởng dương trở lại sau khi tăng trưởng âm trong nửa đầu năm.
Tương tự, sản xuất trang phục cũng đã tăng trưởng (tăng 5% so với mức tăng trưởng âm 9,3% và 3,9% trong quý I và quý II). Trong khi đó, lĩnh vực tăng trưởng bứt phá nhất trong ngành công nghiệp là sản xuất kim loại (tăng 16,9% trong quý III).
Ở khía cạnh tiêu thụ các sản phẩm ngành công nghiệp, chỉ số tiêu thụ cải thiện ở dệt may, chế biến gỗ, kim loại và hoá chất, trong khi mức độ tiêu thụ sản phẩm điện tử chưa có nhiều biến chuyển. Ngoài ra, tồn kho của rất nhiều ngành công nghiệp giảm mạnh so với cùng kỳ có thể hàm ẩn một sự phục hồi trong chu kỳ sản xuất trong quý cuối năm khi nhu cầu đang cải thiện.
Về PMI, các chuyên gia tại đây cho rằng dù chỉ số PMI có thể dao động xoay quanh ngưỡng 50 điểm nhưng hoạt động sản xuất vẫn đang trong xu hướng đi lên. Khảo sát của S&P Global cho thấy hai chỉ báo tích cực khác là tồn kho hàng mua và thành phẩm giảm cùng lúc (lần đầu tiên trong vòng ba tháng) và niềm tin về triển vọng sản lượng trong một năm tới đã phục hồi tháng thứ 4 liên tiếp.