Bất động sản

VCSC: Novaland đang cân nhắc khả năng bán bớt tài sản

Trong báo cáo phân tích phát hành ngày 10/2, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) chịu áp lực thanh toán nợ cao trong năm 2023 và thông tin thêm về việc doanh nghiệp đang thực hiện tái cấu trúc.

Theo chia sẻ của ban lãnh đạo doanh nghiệp tại cuộc họp với nhà đầu tư mới đây, doanh số bán hàng và tiến độ xây dựng chững lại trong quý IV/2022. Trong đó, doanh số bán hàng quý IV đạt 393 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ chủ yếu do niềm tin của người mua nhà bị ảnh hưởng. Cả năm 2022, tổng giá trị hợp đồng bán hàng của Novaland đạt 3,5 tỷ USD (đi ngang so với năm 2021), chủ yếu đến từ Aqua City, NovaWorld Phan Thiet và NovaWorld Ho Tram.

Vào cuối năm 2022, backlog chưa thực hiện của Novaland là 10,4 tỷ USD (tăng 39% so với cuối năm 2021), trong đó Aqua City đóng góp 50%, NovaWorld Phan Thiet đóng góp 25% và NovaWorld Ho Tram đóng góp 11%.

Theo nhận định của VCSC, Novaland chịu áp lực nợ vay cao vào năm 2023, lượng tiền mặt theo đó bị ảnh hưởng. Tính đến cuối năm 2022, tổng nợ vay của Novaland là 64.600 tỷ đồng, trong đó có 39,5% trên tổng dư nợ sẽ đáo hạn trong 12 tháng tới với phần lớn là trái phiếu.

Nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của Novaland vào cuối năm 2022 đã tăng lên 123,9% so với 111% tại cuối quý III/2022 và 103,1% tại cuối năm 2021 do giải ngân tiền mặt cho chủ nợ.

Vào cuối năm 2022, tiền và các khoản tương đương tiền của Novaland (bao gồm các khoản đầu tư tiền gửi ngắn hạn) còn 8.900 tỷ đồng, giảm 60% so với cuối quý III/2022 và giảm 51% so với cuối năm 2021.

Trong quý IV/2022, Novaland đã huy động được khoảng 4.000 tỷ đồng từ thị trường vốn và thu được khoảng 3.000 tỷ đồng từ việc bán trước - thấp hơn so với kế hoạch quý IV/2022 của ban lãnh đạo được nêu trong cuộc họp nhà đầu tư ở quý III/2022.

 Một trong những dự án của Novaland ở TP HCM. (Ảnh: N.A).

Ban lãnh đạo Novaland cho biết, doanh nghiệp đang làm việc với các đơn vị tư vấn tài chính để tiến hành kế hoạch tái cơ cấu toàn diện bao gồm: Đàm phán với chủ nợ và trái chủ để cơ cấu lại lịch trả nợ, tập trung phát triển các dự án trọng điểm và cân nhắc khả năng bán bớt tài sản. Phía doanh nghiệp không công bố thêm thông tin chi tiết về quá trình tái cơ cấu.

Trước đó tại cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào ngày 8/2, bà Đỗ Thị Phương Lan, Phụ trách tư vấn Dự án tái cấu trúc Novaland, thông tin đã làm việc với một hãng luật và công ty kiểm toán quốc tế Ernst & Young (EY) tiến hành tái cấu trúc.

Trong quá trình làm việc với các đối tác quốc tế, Novaland chia sẻ cái nhìn vừa qua doanh nghiệp đối diện với những rủi ro mang tính hệ thống khi thị trường chứng khoán giảm rất mạnh, gần như mạnh nhất thế giới; thị trường trái phiếu có những thay đổi lớn về quy định pháp luật dẫn đến một số khó khăn nhất thời; niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường theo đó bị khủng hoảng mạnh nên cần áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Đối với các khoản vay trong nước, đại diện Novaland cho biết doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và đang tiếp tục làm việc với các ngân hàng để tháo gỡ khó khăn này.

 

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm