Được khởi công xây dựng vào ngày 18/6 nhưng đến nay cả 2 dự án đường vành đai 3 TPHCM và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 qua địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn chưa đảm bảo được nguồn đất san lấp phục vụ đắp nền.
Theo tính toán của Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, để thi công đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 (34km) và đường vành đai 3 TPHCM đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai (11km), các nhà thầu cần hơn 6 triệu m 3 đất đắp nền đường.
Trong đó, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có nhu cầu đất đắp khoảng 5,7 triệu m 3 . Tuy nhiên, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, phối hợp với các đơn vị chủ đầu tư khảo sát các mỏ vật liệu đất đắp trên địa bàn Đồng Nai phục vụ thi công 2 dự án này thì chỉ có 2 mỏ đất đắp thương mại đang khai thác là mỏ Tân Cảng 7 và mỏ Núi Nứa với tổng trữ lượng còn lại khoảng 1,7 triệu m 3 là có thể đáp ứng được.
Cũng theo Sở GTVT Đồng Nai, đến thời điểm này, với kết quả khảo sát các mỏ vật liệu đất đắp, với 2 dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và đường Vành đai 3 TPHCM, Đồng Nai vẫn đang còn thiếu hơn 4 triệu m 3 đất đắp nền. Việc nguồn đất đắp nền chưa đủ đáp ứng có nguy cơ gây ra những khó khăn cũng như ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án.
Dự báo về tình hình thiếu đất đắp nền, Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT) - đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án thành phần 2, dự án đường cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu giai đoạn 1 đã có văn bản đề xuất với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) về việc nghiên cứu tận dụng nguồn đất dôi dư sau khi đào hạ cao độ tại dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành để làm vật liệu đất đắp phục vụ đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
Theo văn bản đề xuất, Ban Quản lý dự án 85 cho rằng, dự án Sân bay Long Thành đang triển khai thi công san hạ cốt nền, lượng đất đào ra trong quá trình này tương đối lớn. Do đó, Ban Quản lý dự án 85 đề nghị ACV cho phép đơn vị này và các nhà thầu nghiên cứu, đánh giá chất lượng, phân loại và tận dụng nguồn đất đào dư thừa tại Sân bay Long Thành để sử dụng làm vật liệu đất đắp cho đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
Tuy nhiên, theo Ban Quản lý dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án Sân bay Long Thành được xây dựng trên tổng diện tích 5 ngàn ha với khối lượng đất đào đắp khoảng 115 triệu m 3 đất. Trong quá trình lập dự án, thiết kế cơ sở, đơn vị tư vấn đã tính toán sơ bộ và đánh giá nguồn vật liệu đắp san nền giai đoạn 1 của dự án Sân bay Long Thành cơ bản là đủ.
Việc san nền tại dự án sẽ lấy đất từ chỗ cao đắp vào chỗ thấp. Phần đất dôi dư đang được dự trữ lại, dự kiến sẽ dùng cho việc san lấp mặt bằng sân bay khi triển khai giai đoạn 2 sau năm 2030. Có thể giai đoạn 2 còn thiếu từ 1 - 2 triệu m 3 đất san lấp. Do đó khó có thể đáp ứng việc sử dụng nguồn đất dôi dư của dự án sân bay giai đoạn 1 để làm đất đắp nền đường dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu như đề xuất.
Theo Phó giám đốc Sở TNMT Đồng Nai Nguyễn Ngọc Hưng, các nhà thầu phải chủ động xin phép khai thác mỏ đất để phục vụ công trình. Các cơ quan nhà nước sẽ hướng dẫn các thủ tục cấp phép. Tuy nhiên, theo quy định tại các Luật Khoáng sản, Luật Đất đai thì vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc trong thủ tục cấp phép, nếu không nhanh chóng tháo gỡ thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các dự án.
Ông Hưng cho biết, không chỉ các dự án của trung ương mà các dự án của tỉnh, huyện hiện nay cũng đang thiếu nguồn đất san lấp. Tỉnh đã kiến nghị Bộ GTVT cho phép sử dụng nguồn đất dôi dư của dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 để thực hiện các dự án giao thông trọng điểm quốc gia cũng như địa phương.
Ngoài ra, để chuẩn bị nguồn vật liệu phục vụ các dự án trên địa bàn, tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch và khoanh định 95 khu vực với diện tích hơn 500ha không đấu giá quyền khai thác khoáng sản vật liệu san lấp. Tuy nhiên, việc thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp lại rất khó khăn vì thủ tục cấp phép phức tạp.