Những vụ gian lận kiểm toán rúng động tài chính thế giới
Từ đầu những năm 2000 tới nay, thị trường tài chính chứng kiến nhiều bê bối của các công ty kiểm toán.
Quá trình từ Big5 công ty kiểm toán thế giới chuyển thành Big4 cũng như sự suy tàn của Arthur Andersen gắn liền với vụ bê bối Enron đầu thế kỷ 21. Công ty kiểm toán Arthur Andersen đã giúp sức Enron che giấu, làm đẹp sổ sách để lừa dối nhà đầu tư trước khi công ty này sụp đổ, làm rung chuyển phố Wall.
Arthur Andersen cũng liên quan tới bê bối “xào nấu” sổ sách ở Worldcom, nguỵ tạo số liệu để thổi giá cổ phiếu trước khi ông lớn viễn thông của Mỹ này lụi tàn.
Trong năm 2020, giới tài chính lần nữa tiếp tục choáng ngợp với vụ sụp đổ của fintech Wirecard. Đây cũng là bê bối kiểm toán lớn nhất ở Đức khi gần 2 tỷ USD tiền mặt “bốc hơi" khỏi bảng cân đối kế toán. Những nghi vấn xoay quanh nghiệp vụ cơ bản nhất của công ty kiểm toán EY. Thậm chí EY còn đối mặt với các vụ kiện của nhà đầu tư theo sau sự sụp đổ của Wirecard.
Hay năm ngoái, Silicon Valley Bank, Signature Bank và First Republic Bank - ba nhà băng lớn của Mỹ đã sụp đổ kể từ tháng 3/2023 - là khách hàng lớn của KPMG. Tờ Financial Times cho biết đến cuối tháng 2/2023, KPMG vẫn đánh giá sức khoẻ của ba ngân hàng nói trên là ổn định và lành mạnh. Việc này khiến cho chất lượng kiểm toán và tính độc lập của KPMG bị đặt vào vòng nghi vấn.
Dấu hỏi về chất lượng kiểm toán trong nước?
Không chỉ nước ngoài mà hai năm qua, Việt Nam chứng kiến nhiều đại án ở lĩnh vực tài chính, chứng khoán trong đó có sự tiếp tay của đơn vị kiểm toán, giúp sức các ông chủ lừa đảo, chiếm đoạn tiền của nhà đầu tư.
Theo kết luận điều tra, Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội cùng Công ty TNHH Kiểm toán ASC giúp ông Trịnh Văn Quyết đưa FLC Faros lên sàn khi “hô biến” từ báo cáo không được chấp nhận toàn phần thành được chấp thuận toàn phần. Sau đó FLC Faros dùng các báo cáo kiểm toán làm tài liệu giải trình đối với hồ sơ đề nghị niêm yết cổ phiếu để được niêm yết 430 triệu cổ phiếu trên sàn, thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ của nhà đầu tư.
Hay nữ Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn tài chính Kế toán và Kiểm toán Nam Việt bị cáo buộc đã làm sai lệch kết quả kiểm toán tạo điều kiện để Tân Hoàng Minh "xào nấu" những hồ sơ tài chính bết bát của công ty con thành báo cáo tài chính đẹp nhằm phát hành trái phiếu doanh nghiệp để lừa đảo chiếm đoạt hàng chục nghìn tỷ.
Mới đây nhất là câu chuyện của ba công ty kiểm toán trong nhóm Big4 liên quan tới đại án SCB - đại án lớn nhất trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam.
Sau hợp nhất, SCB thuê các công ty kiểm toán thuộc nhóm "Big 4" kiểm tra báo cáo tài chính hàng năm. Trong đó, năm 2012 - 2016Ernst & Young Việt Nam đã tiến hành kiểm toán cho SCB, giai đoạn 2017 - 2019 là Deloitte còn sang năm 2020 và bán niên 2021 là Công ty kiểm toán KPMG.
Theo các báo cáo kiểm toán được SCB công bố, kết quả thẩm định thường niên từ năm 2012 đến 2021 đến trước khi vụ án bị khởi tố không cho thấy điểm bất thường nào về tình hình tài chính của ngân hàng
Trong đợt kiểm toán gần nhất trước vụ án (tháng 6/2021), SCB có lợi nhuận luỹ kế hơn 1.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 22.000 tỷ đồng. Nhưng khi bị phanh phui, SCB bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, kết quả kiểm toán của chính KPMG lại cho thấy tại thời điểm 30/9/2022, ngân hàng đã lỗ lũy kế gần 465.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu khoảng 444.000 tỷ đồng.
Nhiều câu hỏi được đặt ra là tại sao trong vòng gần 10 năm có tới ba công ty kiểm toán trong Big4 đều không phát hiện ra được bất cứ sai phạm nào của SCB.
Năm 2020, công ty kiểm toán còn đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần cho báo cáo kiểm toán của SCB. Song chỉ tới khi có sự can thiệp của Ngân hàng nhà nước, những bánh vẽ mới lộ diện.
TheoThông tư 70/2015/TT-BTC quy định chung về các nguyên tắc đạo đức cơ bản áp dụng cho kế toán, kiểm toán viên, tính độc lập cả trong tư tưởng và hình thức được xem như là nền tảng của dịch vụ kiểm toán. Bên cạnh yếu tố chuyên môn, yếu tố độc lập có ảnh hưởng thiết yếu đến báo cáo tài chính. Vai trò của kiểm toán viên là đưa ra ý kiến liệu báo cáo tài chính có trung thực và hợp lý.
Câu chuyện ở Vạn Thịnh Phát và SCB một lần nữa cho thấy hầu hết các sai phạm đều đến từ việc các cơ quan quản lý và các nhà đầu tư bị công ty qua mặt trên những con số của báo cáo tài chính, nơi mà các nhà đầu tư khó lòng có đủ thông tin để kiểm chứng.
Ở đó, họ tin rằng các công ty kiểm toán lớn sẽ giúp họ hạn chế phần nào rủi ro khi được coi là "những người gác cổng" hay bộ lọc của thị trường tài chính.