TAND tỉnh Lâm Đồng vừa mở phiên tòa xét xử vụ khiếu kiện quyết định hành chính về quản lý đất đai giữa người khởi kiện là bà Nguyễn Thị Thục Quyên và người bị kiện là UBND huyện Đức Trọng và Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng.
Yêu cầu hủy giấy chứng nhận đã cấp đổi
Theo bản án sơ thẩm, cụ Nguyễn Thị Bình có ba người con là các bà Nguyễn Thị Thục Quyên, Đỗ Thị Thu Liễu và Đỗ Thị Minh Thư.
Trước năm 1975, cụ Bình có khai phá một mảnh đất ở thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng) và sinh sống cùng bà Liễu cho đến khi qua đời vào năm 2014. Thời điểm khai phá, bà Quyên chưa sinh ra. Sau khi cụ Bình mất, căn nhà được giao cho bà Liễu quản lý.
UBND huyện Đức Trọng. Ảnh: HIẾU NGHĨA
Ngày 26-3-1992, bà Liễu có đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất đối với thửa đất nêu trên với tổng diện tích 258 m2 đất thổ cư, có nguồn gốc do thừa kế của mẹ.
Đến năm 2021, bà Liễu bán căn nhà và thửa đất cho một người khác. Sau khi bị UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi một phần diện tích để mở rộng Quốc lộ 20, người này đã được Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích còn lại gần 160 m2.
Ngày 31-3-2023, bà Quyên nộp đơn khởi kiện UBND huyện Đức Trọng và Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng yêu cầu tòa tuyên hủy giấy chứng nhận của bà Liễu (nay được điều chỉnh, cấp đổi cho người khác).
Trình bày, bà Liễu cho biết lúc còn sống cụ Bình đã tặng cho riêng bà thửa đất trên. Việc tặng cho này được thực hiện bằng miệng trước sự chứng kiến của con cụ Bình là bà Đỗ Thị Minh Thư.
Năm 1992, bà Liễu thực hiện đăng ký kê khai và đến năm 1993 thì được cấp giấy chứng nhận đúng quy định của pháp luật. Bà Liễu ở căn nhà đó để nuôi cụ Bình và trông coi nhà cửa sau khi cụ Bình mất cho đến khi bán lại căn nhà này cho một phụ nữ cùng địa phương.
Người bị kiện không cung cấp được hồ sơ
Đại diện UBND huyện Đức Trọng cho rằng ngày 26-3-1992, bà Liễu có đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất đối với thửa đất 549, tờ bản đồ 02, thị trấn Liên Nghĩa. Tổng diện tích 258 m2 đất thổ cư có nguồn gốc do thừa kế của mẹ.
Theo tòa, nội dung đơn đăng ký quyền sử dụng đất ghi có nguồn gốc từ thừa kế là không đúng. Bởi vì thời điểm năm 1992, cụ Bình vẫn còn sống nên không phát sinh quan hệ thừa kế theo Pháp lệnh về thừa kế năm 1990.
UBND huyện Đức Trọng đã cấp giấy chứng nhận cho bà. Tuy nhiên, cơ quan này lại cho rằng do thời gian đã lâu nên toàn bộ hồ sơ cấp giấy chứng nhận đã bị thất lạc trong quá trình luân chuyển, lưu trữ hồ sơ trước đây.
Việc bà Liễu khai về nguồn gốc đất là thừa kế của mẹ, UBND huyện Đức Trọng cho biết việc điền thông tin vào đơn đăng ký quyền sử dụng ruộng đất được thực hiện từ UBND cấp xã. UBND cấp xã cũng là đơn vị quản lý trực tiếp nhận hộ khẩu, khai sinh, khai tử của công dân trên địa bàn.
Đồng thời, do nhận thức của người dân thời điểm lúc bấy giờ còn hạn chế trong việc phân biệt giữa cho tặng và thừa kế. Do đó có thể nguồn gốc đất cha mẹ tặng cho nhưng khai trong hồ sơ là thừa kế.
Sau khi xem xét, TAND tỉnh Lâm Đồng cho rằng mặc dù bà Liễu khẳng định thửa đất nói trên là của cụ Bình tặng riêng cho mình nhưng lại không cung cấp được tài liệu, chứng cứ để chứng minh.
Ngoài ra, phía người bị kiện UBND huyện Đức Trọng không cung cấp được bản sao y hồ sơ đăng ký kê khai cấp giấy chứng nhận cho bà Liễu. UBND chỉ có bản phôtô giấy chứng nhận quyền sử dụng đất B256329 ngày 28-4-1993 và đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất của bà Đỗ Thị Thu Liễu ngày 26-3-1992.
Trong khi đó, nội dung đơn đăng ký quyền sử dụng đất ghi có nguồn gốc từ thừa kế là không đúng. Bởi vì thời điểm năm 1992, cụ Bình vẫn còn sống nên không phát sinh quan hệ thừa kế theo Pháp lệnh về thừa kế năm 1990.
Từ đó, HĐXX cho rằng việc UBND huyện Đức Trọng cấp giấy chứng nhận cho bà Liễu là trái quy định của pháp luật nên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Quyên. Tòa tuyên hủy hai giấy chứng nhận đã cấp cho bà Liễu và người thứ ba (bà Liễu đã chuyển nhượng sau đó).