Trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến, thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường và không thể dự báo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu.
Về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, sau hai năm chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19 cộng với bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, nhiều rủi ro, kinh tế - xã hội nước ta đã phục hồi, đạt được kết quả tích cực.
Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,56% khi nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng âm; năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch (6 - 6,5%); 9 tháng đầu năm 2023 đạt 4,24%, cả năm dự báo khoảng 5 - 5,5%.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; khu vực nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế. Lạm phát cơ bản được kiểm soát phù hợp; cơ cấu thu ngân sách được củng cố; bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn ba năm ước ở mức 3,6% GDP; các chỉ tiêu an toàn nợ công dự kiến đều trong giới hạn cho phép.
Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả đáng ghi nhận.
Ủy ban Kinh tế đánh giá những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận; tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế như: Công tác phòng, chống dịch COVID-19 có thời điểm còn bị động, lúng túng, nhất là giai đoạn đầu khi biến chủng Delta bùng phát mạnh; còn tình trạng tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tuy nhiên, chưa có nhiều thay đổi; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; thu ngân sách Nhà nước thường xuyên vượt so với dự toán, phản ánh xây dựng dự toán thấp, làm bó hẹp không gian tài khóa và ảnh hưởng đến dự toán thu của năm tiếp theo…
Mục tiêu tăng trưởng 2024 - 2025 đạt 6,5 - 7% rất khó khăn
Về hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh với tác động mang tính độ trễ của các giải pháp từ chính sách hỗ trợ nền kinh tế được triển khai liên tục từ đầu năm 2022, tăng trưởng kinh tế năm 2024 - 2025 có thể được phục hồi tốt hơn so với năm 2023.
"Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân khoảng 6,5% - 7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 – 2020 (6,25%) là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, không thể lường trước", Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết cần nhấn mạnh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết khác có liên quan của Quốc hội.
Trong đó, cần bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế, chủ động phân tích, dự báo diễn biến các thị trường quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp; triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ba Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm.
Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng số gắn với nâng cao năng lực nội tại; Nghiên cứu, đánh giá kết quả và đề xuất ban hành mới hoặc kéo dài các chính sách tiền tệ, chính sách thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Đồng thời cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ tri thức giai đoạn 2021 – 2030; đẩy mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp FDI và các trường đại học của Việt Nam để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Kinh tế đối mặt với nhiều thách thức
Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Bộ trưởng cho biết, nước ta cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh trong trung và dài hạn vẫn tiếp tục là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu.
Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu giai đoạn 2021-2023 dự kiến có sự thay đổi tích cực hơn so với giai đoạn 2016-2018. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam, dự báo kinh tế nước ta sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế còn gặp nhiều thách thức; ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do chịu tác động của các yếu tố bên ngoài. Năm 2023, nhiều động lực tăng trưởng chính chậm lại, đối mặt với nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu ước giảm 3,5%, nhập khẩu giảm 4,2%, nợ xấu có xu hướng tăng, chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro.
Bên cạnh đó, sau đại dịch COVID-19, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã đến mức tới hạn; hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục còn nhiều khó khăn, nhất là về thị trường đầu ra, dòng tiền, huy động vốn, thủ tục hành chính và áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng; việc hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa đáp ứng yêu cầu tạo chuyển biến nhanh về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới Chính phủ sẽ nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để vừa chống chịu, thích ứng với bối cảnh, tình hình mới, vừa tranh thủ thời cơ, cơ hội, động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng, tăng tốc phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững; tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Diễn đàn năm nay với chủ đề Theo Dấu Dòng Tiền quy tụ hơn 350 khách tham dự bao gồm giới chuyên gia cao cấp, CIO, CEO, CFO đến từ các quỹ đầu tư, doanh nghiệp niêm yết, công ty công nghệ cung cấp dữ liệu, cố vấn tài chính từ các ngân hàng, công ty chứng khoán, đơn vị tư vấn kiểm toán và những nhà đầu tư cá nhân quan tâm đến thị trường chứng khoán, bất động sản Việt Nam.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam (Vietnam Investment Forum) là sự kiện thường niên do VietnamBiz phối hợp cùng CLB Giám đốc tài chính (CFO Vietnam) và các đối tác tổ chức.
Diễn đàn hứa hẹn sẽ thiết lập không gian để các thành viên trên thị trường có cơ hội kết nối, chia sẻ về các xu hướng mới, các cơ hội đầu tư, những thông tin, góc nhìn có giá trị cao, mở ra nhiều ý tưởng phù hợp cho giai đoạn mới.
Thông tin chi tiết về Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 tại đây .