Lạm phát quá cao và lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm dấy lên lo ngại rằng chính sách của họ có thể có sai sót, gây nguy cơ dẫn tới suy thoái kinh tế hoặc lạm phát đình trệ, với tốc độ tăng trưởng chậm lại và giá cả tăng cao.
Những dữ liệu trong tuần này cho thấy có một số dấu hiệu chứng tỏ lạm phát của Mỹ bắt đầu giảm xuống nhưng với tốc độ rất chậm.
Trong phiên thứ Sáu (13/5), USD hầu như không có phản ứng trước thông tin cho thấy giá nhập khẩu của Mỹ tháng 4 bất ngờ đi ngang do chi phí xăng dầu giảm bù lại cho giá thực phẩm và các sản phẩm khác tăng, một dấu hiệu nữa cho thấy lạm phát có thể đã đạt đạt đến đỉnh điểm.
Dữ liệu khác từ Đại học Michigan cho thấy kết quả sơ bộ về tâm lý người tiêu dùng vào đầu tháng 5 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm 2011 do lo ngại lạm phát sẽ còn dai dẳng.
Joseph Trevisani, nhà phân tích cấp cao của FXStreet.com cho biết: "Nhìn chung, chúng tôi vẫn nhận định thị trường còn nhiều khó khăn và đang xem xét theo 16 hướng khác nhau". "Các doanh nghiệp đang lo lắng về tăng trưởng của Mỹ trong năm nay, Châu Âu đang tiến thoái lưỡng nan nên chỉ có thể thắt chặt tiền tệ một cách ‘nhẹ nhàng’, trong khi Trung Quốc đang khăng khăng áp dụng chính sách ‘zero Covid’. Tất cả những điều đó đều báo hiệu ‘điềm gở’ cho nền kinh tế toàn cầu. Do đó, bạn đang thấy nhiều người tìm tới đồng USD".
Các nhà đầu tư đã hướng về nơi trú ẩn an toàn do lo ngại về khả năng Fed có thể làm giảm lạm phát mà không gây suy thoái, cùng với lo lắng về tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine và những tác động kinh tế bởi chính sách ‘zero Covid’ của Trung Quốc.
Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ - giảm 0,115% vào lúc kết thúc ngày 13/5 theo giờ Việt Nam so với đóng cửa phiên liền trước, xuống 104,640, sau khi có lúc đạt 105,01, mức cao nhất kể từ tháng 12 năm 2002. So với đầu năm, DXY đã tăng hơn 9%.
Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm thứ Năm (12/5) nói rằng cuộc chiến chống lạm phát của họ sẽ "có không ít ‘đau đớn’" vì tác động của việc lãi suất tăng lên mọi lĩnh vực kinh tế, nhưng nếu để giá cả tăng mạnh hơn nữa trong thời gian tới thì hậu quả sẽ còn tồi tệ hơn thế.
Đồng euro phiên cuối tuần tăng 0,14% lên 1,0394 USD, trước đó có lúc giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 3 tháng 1 năm 2017, là 1,0348 USD.
Euro là Đồng tiền duy nhất đang trên đà giảm tuần thứ 5 trong vòng 6 tuần qua, và đã bị tổn thương bởi cả 2 yếu tố: lo ngại về cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine làm cản trở đà hồi phục kinh tế, và việc USD tăng mạnh.
Các lệnh trừng phạt đối với Nga đã dẫn tới việc nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu bị gián đoạn. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư tin rằng euro sẽ giảm xuống ngang bằng với USD.
Trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu được nhiều người dự đoán sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào tháng Bảy, dự kiến mức lãi suất của khu vực này sẽ tăng với tốc độ chậm hơn so với Fed.
Đồng yên Nhật trong phiên 13/5 giảm 0,80% so với đồng bạc xanh, xuống 129,38 JPY/USD. Mặc dù giảm trong phiên này nhưng yen Nhật bắt đầu có dấu hiệu hồi phục so với USD khi tính chung cả tuần tăng tuần đầu tiên sau 9 tuần giảm liên tiếp.
Đồng bảng Anh phiên cuối tuần tăng 0,14% lên 1,2216 USD.
Đô la Canada tăng trong phiên cuối tuần khi giá dầu và chứng khoán Phố Wall hồi phục. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, CAD vẫn giảm. Theo đó, CAD tăng 0,5% trong phiên cuối tuần, lên 1,2982 CAD/USD, tương đương 77,03 US cent.
Đáng chú ý, rúp Nga tiếp tục tăng mạnh, phiên 13/5 đã vượt mức 63 RUB trên sàn giao dịch Moscow, là mức cao chưa từng có kể từ đầu tháng 2 năm 2020 và chạm mức cao nhất trong 5 năm so với đồng euro.
Đồng rúp đã trở thành đồng tiền hoạt động tốt nhất thế giới trong năm nay do các biện pháp kiểm soát vốn mà Nga áp đặt vào cuối tháng 2 để bảo vệ lĩnh vực tài chính của họ.
Theo đó, rúp Nga lúc kết thúc ngày 13/5 theo giờ Việt Nam ở mức 63,32 RUB, sau khi có lúc chạm 62,6250 RUB, mức cao nhất kể từ ngày 5 tháng 2 năm 2020. Tuy nhiên, các ngân hàng đang chào mua đồng rúp ở mức thấp hơn nhiều so với mức trên.
Thị trường tiền tệ châu Á diễn biến trái chiều trong ngày thứ Sáu khi các nhà đầu tư cân nhắc tác động của việc giá tiêu dùng tăng nhanh đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó đồng ringgit của Malaysia đảo chiều tăng nhẹ sau dữ liệu tăng trưởng kinh tế khả quan.
Đồng đô la Singapore tăng 0,2% trong phiên 13/5, trong khi peso của Philippines giảm 0,1%.
Ringgit của Malaysia lúc đầu phiên giảm, sau đó đảo chiều tăng 0,1% sau khi nước này công bố dữ liệu GDP, kết thúc phiên ở mức 4,391 ringgit.
Thị trường tiền điện tử đã ổn định hơn vào thứ Sáu (13/5) sau một tuần hỗn loạn, với Bitcoin tăng gần 8% trong phiên cuối tuần, lên khoảng 30.000 USD vào lúc kết thúc ngày 13/5 theo giờ Việt Nam, sau một tuần giao dịch đầy biến động khi có lúc giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2020 khi thị trường tiền điện tử bị xáo trộn bởi sự sụp đổ của TerraUSD, một loại tiền được gọi là ổn định. Ethereum cũng tăng hơn 10% trong phiên này, lên 2.126,13 USD.
Giá Bitcoin ngày 13/5.
Giá vàng giảm hơn 1% trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần giảm tuần thứ 4 liên tiếp do USD mạnh và lãi suất của Mỹ tăng, dự kiến sẽ làm giảm nhu cầu đối với vàng.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên 13/5 theo giờ Việt Nam giảm 0,4% xuống 1.813,80 USD/ounce, sau khi có lúc chạm 1.798,86 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 4 tháng 2. Tính chung cả tuần, giá đã giảm hơn 3%.
Giá vàng kỳ hạn tháng 6 phiên này cũng giảm 0,6% xuống 1.813,90 USD.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk