Công nghệ

Tỷ phú mất tiền vì Luna dùng hình xăm "nhắc nhở bản thân"

"Sau nhiều suy nghĩ, đã đến lúc nói về những thứ diễn ra tuần trước và quan trọng hơn là những tuần sắp tới", Novogratz viết trên Twitter hôm qua và đính kèm một "tâm thư" gửi đến các cổ đông, bạn bè và cộng đồng tiền số.

Đây là lần đầu ông lên tiếng về Luna sau một tuần "im bặt" khi token này và stablecoin UST sụp đổ.

Tỷ phú Michael Novogratz và hình xăm Luna. Ảnh: Bloomberg

Tỷ phú Michael Novogratz và hình xăm Luna. Ảnh: Bloomberg

Novogratz là CEO của Galaxy Digital, quỹ đầu tư đã rót 25 triệu USD vào Terraform Labs - công ty đứng sau token Luna và UST. Trong thư, ông đề cập đến quyết định ủng hộ Luna và UST vào cuối 2020 vì nhận ra "tiềm năng tăng trưởng đáng kể" khi đó.

Thực tế, khoản đầu tư của Galaxy Digital đã mang về hơn 355 triệu USD trong quý I/2022, chiếm nhiều nhất trong số một tỷ USD lợi nhuận từ tiền số của công ty. Tuy vậy, khi Luna và UST lao dốc, toàn bộ số tiền đã bốc hơi nhanh chóng.

Novogratz đổ lỗi cho sự sụp đổ của Luna là do "bối cảnh vĩ mô toàn cầu", bao gồm sự kiểm soát của các chính phủ về tiền số, cũng như căng thẳng do các hoạt động chính trị. Tuy nhiên, ông khẳng định công ty không bị tác động nhiều do lĩnh vực kinh doanh đa dạng.

Nói về hình xăm Luna, ông xem nó là bài học cho chính mình. "Với nhận thức muộn màng, mọi thứ đã rõ ràng trước mắt. Hình xăm Luna sẽ là lời nhắc nhở thường xuyên với tôi, rằng đầu tư mạo hiểm cần đòi hỏi sự từ tốn", Novogratz viết.

Trước đó, Novogratz xăm trên cánh tay hình con sói, mặt trăng kèm với chữ "Luna" để ủng hộ tiền số này. "Tôi sẽ hú lên mặt trăng để tỏ lòng biết ơn với Luna vì đã cho tôi một chút gì đó để có thể thanh toán hóa đơn", Novogratz đăng trên Twitter vào tháng 11/2021.

Novogratz là một trong những lý do khiến người dùng quan tâm đến Luna và UST do là người có tầm ảnh hưởng trong thị trường tiền số. Ông cũng thường xuyên nhắc đến hai token của Terra. Do vậy, khi Luna mất gần như 100% giá trị, Novogratz trở thành nhân vật được chú ý nhất chỉ sau nhà sáng lập kiêm CEO Terraform Labs Do Kwon.

Sự im lặng của các 'KOL tiền số'

Sau cú sập của Luna và UST, gần như các quảng cáo về tiền số đều biến mất. Theo New York Times, những người có tầm ảnh hưởng (KOL) cũng im lặng hoặc từ chối bình luận khi được hỏi.

Trước đó, nhiều người nổi tiếng tích cực quảng bá tiền số trên truyền hình và mạng xã hội, như ngôi sao bóng rổ Joel Embiid và LeBron James, diễn viên Matt Damon, Larry David, Reese Witherspoon và Gwyneth Paltrow hay nữ ca sĩ Paris Hilton.

Siêu cúp bóng bầu dục Mỹ Super Bowl, một trong những sự kiện nhiều người xem nhất thế giới, thậm chí còn bị gọi là "Crypto Bowl" vì phát nhiều quảng cáo tiền số đầu năm nay.

Tuy nhiên, sau ngày 12/5, khi Luna và UST lao dốc, hầu như không ai lên tiếng.

"Đó là tiền thật mà mọi người đầu tư, nhưng các quảng cáo không hề nhắc đến những nguy cơ tiềm ẩn", giáo sư Giovanni Compiani của Đại học Chicago nói với New York Times. "Họ nên chịu một phần trách nhiệm khi nhà đầu tư thua lỗ".

Một số chuyên gia khác cho rằng những người tung hô tiền số đã trực tiếp hủy hoại danh tiếng của mình. "Nếu tôi là Matt Damon hoặc Reese Witherspoon, tôi sẽ đặt câu hỏi về tính pháp lý, nguy cơ và nhiều thứ khác trước khi đặt bút ký hợp đồng quảng cáo", phó giáo sư Beth Egan, giảng viên chuyên ngành quảng cáo tại Đại học Syracuse, nói.

Tại Mỹ, nhiều doanh nghiệp lớn sẵn sàng chi tiền cho việc quảng bá tiền số. Theo thống kê của nền tảng phân tích Path Path, Crypto.com đã chi trung bình 109.000 USD mỗi ngày cho việc này vào tháng 3, nhưng con số đó giảm xuống còn 24.669 USD vào tháng 5. Trong khi đó, sàn FTX cũng chi hơn 14.700 USD mỗi ngày trong tháng 5 để quảng cáo tiền số, trước khi ngừng do sự cố Luna.

Hiện đội ngũ của Terraform Labs vẫn nỗ lực giải quyết khủng hoảng. Mới đây, CEO Do Kwon đề xuất việc tạo token Luna mới không liên quan đến Luna hiện tại, nhưng vấp phải sự phản ứng dữ dội từ người dùng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm