Tài chính

Tỷ giá USD ngân hàng cao nhất lịch sử

Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.046 đồng/USD, tăng 10 đồng so với phiên hôm qua. Với biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 22.844 - 25.248 đồng/USD.

Tỷ giá USD ngân hàng tăng chóng mặt từ đầu năm đến nay.

Tại sở giao dịch, Ngân hàng Nhà nước tăng giá bán USD thêm 11 đồng, lên 25.198 đồng/USD và giữ nguyên giá mua ở mức 23.400 đồng/USD. Trên thị trường ngân hàng, tỷ giá USD niêm yết tại các nhà băng đồng loạt tăng.

Theo khảo sát lúc 14h, Vietcombank tăng 40 đồng ở cả hai chiều giao dịch so với cuối phiên hôm qua ở mức 24.800 - 25.170 đồng/USD mua vào - bán ra. Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tại Vietcombank tăng khoảng 750 đồng, tương đương gần 5%.

Tương tự BIDV cũng đưa giá mua - bán USD lên 24.840 – 25.150 đồng/USD, tăng 40 đồng so với cuối ngày hôm qua. Trong khi VietinBank tăng giá mua 73 đồng và tăng giá bán 33 đồng, giao dịch ở mức 24.763 - 25.183 đồng/USD.

Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết tỷ giá tăng mạnh như Abbank 24.850 - 25.230 đồng/USD; GPbank niêm yết 24.760 - 25.230; KienlongBank ở mức 24.830 - 25.245; NCB niêm yết 24.795 - 25.239 trong khi TPbank bán ra 24.790 đồng, mua vào 25.220 đồng/USD.

Chung xu hướng với thị trường chính thức, giá USD tự do đang được mua - bán ở mức 25.400 - 25.500 đồng, tăng 50 đồng ở cả hai chiều giao dịch so với mức khảo sát cùng thời điểm ngày hôm qua.

Tỷ giá USD trong nước đồng loạt tăng trong bối cảnh đồng bạc xanh mạnh lên trên thị trường quốc tế, sau khi dữ liệu lạm phát tháng 3 của Mỹ mới được công bố cao hơn dự báo.

Ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam - nhận định, cần phải xác định rằng việc tỷ giá biến động là hết sức bình thường. Chính sách tỷ giá không thể đứng yên được, bởi không phụ thuộc hoàn toàn vào một nền kinh tế mà là diễn biến chung của kinh tế khu vực và thế giới.

Theo vị chuyên gia này, bản thân chỉ số USD Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) từ đầu năm đến nay đã tăng khoảng 3%.

"Do vậy, chưa tính đến các yếu tố khác, áp lực dẫn đến USD tăng so với VND trước tiên đến từ chính bản thân đồng USD," ông Hùng nói và lý giải biến động tỷ giá vừa qua liên quan đến yếu tố lịch sử, mùa vụ của thị trường Việt Nam. Thông thường vào quý đầu năm cầu ngoại tệ cũng sẽ tăng, là hệ quả do kết thúc năm tài chính và những nhu cầu như đầu tư, cất trữ ngoại tệ của người dân.

Liên quan đến dự báo về tỷ giá, tại báo cáo vĩ mô tháng 4, Chứng khoán Rồng Việt nhận định tiền đồng có thể mất giá khoảng 3% trong nửa đầu năm nay, khi tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng hiện đã vượt ngưỡng tâm lý 25.000 đồng/USD.

"Tỷ giá trên thị trường vượt đỉnh cũ đã thiết lập vào tháng 11/2022, đà tăng này có thể tiếp diễn đưa tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng lên sát ngưỡng 25.500 đồng/USD như mức neo của tỷ giá trên thị trường tự do. Chúng tôi vẫn kỳ vọng áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong nửa sau của quý 2 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu cắt giảm lãi suất," Chứng khoán Rồng Việt dự báo.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm