Chuyển sang đầu tư ngoại tệ
Chuẩn bị cho chuyến du lịch châu Âu vào cuối tháng 7, chị Hà Thanh Hương (Linh Đàm, Hà Nội) tìm đến phố Hà Trung, Hà Nội để mua 1.000 Euro để chi tiêu khi cần với giá 24,7 triệu đồng.
“Vào ngân hàng mất rất nhiều thời gian chờ đợi, phải trình các thủ tục liên quan đến chuyến đi, mất thời gian ký hợp đồng mua bán… nên tôi ra ngay Hà Trung vừa nhanh, vừa tiện”, chị Hương cho biết.
Điều khiến chị Hương ngạc nhiên là có rất nhiều người đến mua với số lượng lớn đến cả chục nghìn Euro. “Người đông như giao dịch ở ngân hàng. Có người mang cả túi tiền đến mua, phải dùng cả 3 máy đếm tiền mất hơn chục phút mới hết. Hỏi ra mới biết họ mua để đầu tư vì đợt này Euro đang rẻ”, chị Hương kể.
Thời gian gần đây giá Euro giảm mạnh
Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, trong bối cảnh vàng giảm giá mạnh, nhiều người đã chuyển sang kênh ngoại tệ, khi USD được dự báo tiếp tục tăng giá và Euro đang giảm giá mạnh.
Tỷ giá 24.700 đồng/Euro mà chị Hương giao dịch cũng được coi là ở vùng “đáy” kể từ đầu năm, bởi sau đó giá Euro đã nhích lên 25.000 đồng chỉ sau đó 3 ngày và đến cuối tuần qua đã lên 25.100 đồng trên thị trường tự do.
Trên hệ thống ngân hàng, có một số ngày đầu và giữa tháng 7, tỷ giá giữa VND và Euro đã xuống thấp nhất khi gần về 24.100 đồng/euro. Trong mấy ngày gần đây, giá đã nhích lên dần và đến cuối tuần qua đã lên 24.579,80 đồng đổi 1 Euro tại Vietcombank.
“Chứng khoán chờ không biết đến khi nào nên tôi đã rút ra chuyển sang mua Euro để đến cuối năm”, nhà đầu tư Đặng Quang Hưng (trú tại Mai Dịch, Cầu Giấy) chia sẻ.
Nhà đầu tư này cũng cho biết, nhóm bạn của ông có một số người đã rút bớt tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng để đầu tư kinh doanh, một số thì chuyển sang đầu tư ngoại tệ.
Kiến nghị cho huy động ngoại tệ có lãi suất
Một số thống kê của BVSC liên quan đến vấn đề tỷ giá
Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia phân tích, Euro giảm giá so với USD do lạm phát tại châu Âu thấp hơn Mỹ và do châu Âu mới chỉ tăng rất nhẹ lãi suất hôm cuối tuần qua, trong khi Mỹ đã tăng mạnh.
“Tương lai, Mỹ sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất nhưng mức độ tăng sẽ không phải 1% như trước mà chỉ đâu đó 0,5% bởi kinh tế Mỹ đã bắt đầu đi vào suy thoái. Còn châu Âu, mặc dù lo tăng trưởng kinh tế khó khăn nếu tăng lãi suất nhưng chắc chắn sẽ vẫn điều chỉnh nhẹ vì khu vực này rất thận trọng với chính sách tiền tệ.
Nhưng dù tăng lãi suất ít cũng sẽ khiến đồng Euro phục hồi và đến cuối năm Euro sẽ trở về giá trị như đầu năm”, ông Nghĩa nói và cho rằng USD đã đứng ở mức cao trong một thời gian khá lâu nên sẽ phải giảm giá.
Đối với việc người dân mua ngoại tệ trên thị trường ngoài ngân hàng để đầu tư, ông Nghĩa cho rằng đây là xu hướng nhất thời do sự biến động của tỷ giá.
“Chúng ta chưa thể chấm dứt ngay tình trạng này được khi kinh tế ngày càng mở cửa và giao dịch tiền tệ cũng ngày càng đa phương hoá. Do đó, nếu cấm, phải cấm người bán trên thị trường “chợ đen” chứ không thể cấm người dân”, ông Nghĩa nói.
Đối với chính sách tiền tệ, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, chừng nào còn huy động tiền gửi (USD - PV) thì không có lý do gì lại huy động với lãi suất bằng 0%.
“Đó là thiệt thòi của doanh nghiệp và tạo điều kiện để doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ ở bên ngoài. Chỉ có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới xuất siêu 16-17 tỷ USD/ năm, còn doanh nghiệp Việt Nam lại nhập siêu. Đây là vấn đề nghiêm trọng”, ông Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, việc không cho hưởng lãi suất tiền gửi ngoại tệ rất dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp FDI xuất khẩu rồi giữ ngoại tệ ở bên ngoài để hưởng lãi suất. Do đó, tốt nhất là quay trở lại để các ngân hàng thương mại huy động tiền gửi USD có lãi suất, mức nào thì tuỳ quan hệ cung - cầu. Từ đó giảm áp lực dùng ngoại tệ ổn định tỷ giá hối đoái.
“Nếu doanh nghiệp cứ găm ngoại tệ ở bên ngoài thì khối lượng dự trữ của chúng ta không thể chống đỡ nổi. Tôi và một số thành viên tư Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cũng đã kiến nghị vấn đề này với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước”, ông Nghĩa cho hay.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), dự trữ ngoại tệ đang có xu hướng sụt giảm kể từ đầu năm, đến tháng 3/2022 còn 106 tỷ USD. BVSC cũng cho rằng, VND chịu áp lực mất giá trong năm 2022 và NHNN có thể phải thực hiện các biện pháp hỗ trợ ổn định tỷ giá.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, trong bối cảnh thế giới những tháng đầu năm, nếu để lạm phát cao thì phá giá đồng tiền nhiều và không phải bán ngoại tệ can thiệp. Còn nếu phá giá VND ở mức thấp mà vẫn giữ lạm phát thấp thì phải bán ngoại tệ để can thiệp.
“Dự trữ ngoại tệ sinh ra là để ổn định tỷ giá, không phải của để dành. Nhưng bên cạnh bán ngoại tệ can thiệp thì phải có động thái thị trường khác nữa để hỗ trợ”, ông Nghĩa phân tích.