Sau khi TV 55 inch bị hỏng, chị Phương dự định chọn model tầm 65 inch với giá dưới 30 triệu đồng. Tuy nhiên, khi tham khảo tại cửa hàng, chị thấy một số mẫu như TV 85 inch của TCL giá chỉ 37 triệu đồng.
"Tôi thậm chí phân vân một mẫu khác có kích thước 98 inch nhưng chưa tới 40 triệu đồng", chị Phương cho hay.
Tương tự, anh Lê Khang ở quận 7, TP HCM cũng định mua TV Sony 65 inch giá 26 triệu, nhưng cuối cùng chuyển sang mẫu 85 inch của Aqua giá chưa đến 30 triệu đồng. "Điều tôi cân nhắc là vấn đề thương hiệu, vì thương hiệu nổi tiếng sẽ mang lại cảm giác an toàn hơn về độ bền, tính năng. Còn về thông số, sự khác biệt không quá lớn", anh Khang nói.
TV kích thước lớn đang xuất hiện nhiều tại thị trường Việt Nam. Khoảng bốn năm trước, hầu hết mẫu trên 80 inch có giá trăm triệu đồng, còn người dùng giờ đây dễ lựa chọn chúng ở phân khúc giá hơn 30 triệu đồng. Chẳng hạn, mẫu Aqua QLED AQT85S800UX 85 inch được niêm yết 29,9 triệu nhưng một số nơi bán thấp hơn. TCL QLED 85C69B 85 inch giá 37,2 triệu, hay thậm chí mẫu siêu lớn 98 inch của phiên bản này là 98C69B hiện là 40 triệu đồng.
Các thương hiệu có tên tuổi hơn cũng đưa TV 80 inch xuống phân khúc dưới 100 triệu đồng. Chẳng hạn, LG bán Smart TV 86QNED80TSA 86 inch ở mức 49,8 triệu, bản 98QNED89TSA 98 inch là 99,9 triệu. Samsung cũng có một số model kích thước lớn với giá dễ tiếp cận, ví dụ UA85DU8000 85 inch 49,8 triệu, hay bản 98 inch giá 79,2 triệu đồng.
Phân khúc TV 75 inch cũng sôi động khi người dùng chỉ cần hơn 10 triệu đồng đã có thể sở hữu. Ví dụ, TCL Google TV 75P79B Pro giá 13 triệu, LG Smart TV 75UR7550PSC 18 triệu, Aqua Google TV QLED 20 triệu hay Samsung Smart TV UA75CU8000 là 21 triệu đồng. Mức này bằng một nửa, thậm chí một phần ba so với cách đây 5 năm.
"Số lượng người quan tâm đang tăng nhanh thời gian gần đây. Mỗi ngày có 1-2 khách mua tại cửa hàng, trong khi những năm trước có khi 3-4 ngày mới bán được một chiếc", Hoàng An, quản lý siêu thị điện máy nằm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, nói.
Nguyễn Lạc Huy, đại diện của hệ thống bán lẻ CellphoneS, cho biết các mẫu TV cỡ lớn tại hệ thống có mức tăng trưởng hơn 30% so với năm ngoái, trong đó các mẫu 55 inch trở lên đạt doanh số tốt nhất. Riêng model trên 75 inch chiếm hơn 5% số lượng bán ra, còn các năm về trước ghi nhận khoảng 1-2%.
"TV kích thước lớn mang lại trải nghiệm tốt, nhưng vướng phải rào cản về giá và yêu cầu diện tích lớn làm người tiêu dùng đắn đo", anh Huy giải thích. "Nhưng hai năm gần đây, chúng có mức giá tốt hơn 25%, kích thước ngày càng mỏng và chiếm ít không gian phòng đã thúc đẩy mạnh mẽ khách hàng chuyển dịch lên".
Ngoài ra, anh cho rằng việc nhà sản xuất tích hợp thêm nhiều tính năng vào TV, chẳng hạn AI tự điều chỉnh thông số phù hợp nhu cầu người xem; điều khiển nội dung qua điện thoại; công nghệ nâng từ LED sang QLED, QNED, Mini LED hoặc OLED với chất lượng hiển thị cao; nội dung 4K, 8K cho màn hình lớn nhiều hơn đã thúc đẩy nhiều người tìm đến TV siêu lớn.
Một yếu tố khác liên quan đến máy chiếu. Theo Lê Hoàng, kỹ thuật viên trung tâm điện máy tại Bình Thạnh, trước đây người dùng có xu hướng mua máy chiếu cao cấp để trình chiếu nội dung trên diện tích lớn, nhất là để xây dựng rạp phim tại gia. "Giờ đây, khi giá TV cỡ lớn và máy chiếu cao cấp gần tiệm cận nhau, người dùng sẽ hướng đến TV do tích hợp sẵn tính năng và ứng dụng thông minh, bên cạnh yếu tố về độ sáng, độ sắc nét cũng cao hơn", anh Hoàng nói.
Tuy vậy, theo anh Hoàng An, nhìn chung TV kích thước lớn và siêu lớn thực tế vẫn là mặt hàng khó tiếp cận với đa số do giá cao và không gian nhà ở của đa số người dùng chưa phù hợp. Chẳng hạn, với TV 75 inch, người dùng cần đặt trong không gian phòng có diện tích trên 40 m2, khoảng cách xem từ 4 đến 6 mét.
Bên cạnh đó, các mẫu trên 80 inch giá thấp thường bị giới hạn về công nghệ hoặc "cắt gọt" tính năng so với bản cao cấp. "Ngay cả TV dùng đèn nền LCD cũng có sự khác biệt. Thông thường, TV LCD có hai thành phần cơ bản: tấm nền LCD và đèn LED gắn sau", Lê Hoàng nói. Chẳng hạn, mẫu cao cấp Samsung QN90B và mẫu giá rẻ TCL 5-Series cùng sử dụng tấm nền LCD, nhưng không cùng một loại đèn LED. TV Samsung dùng mini LED kích thước nhỏ hơn 40% so với LED truyền thống mà TV TCL sử dụng. "Khác biệt có thể không lớn về chất lượng hình ảnh, nhưng trên thực tế lại ảnh hưởng đến hầu hết khía cạnh hiệu suất, như độ sáng cao hơn, hiển thị màu đen sâu hơn, kiểm soát vùng sáng tốt hơn, góc nhìn rộng và độ tương phản cao hơn", anh Hoàng cho hay.
Các mẫu màn hình lớn giá rẻ cũng thường sử dụng chất liệu và có độ hoàn thiện không tỉ mỉ như bản cao cấp. Chúng cũng không hỗ trợ nhiều cổng kết nối tốc độ cao, hay các tính năng thông minh - các yếu tố đã bị lược bớt để hạ giá thành.
Xu hướng trên thế giới
Không chỉ tại Việt Nam, xu hướng sử dụng TV kích thước lớn diễn ra ở nhiều thị trường khác. Tại Mỹ, các nhà bán lẻ như Best Buy, Target, Costco và Walmart đều xác nhận lên kế hoạch nhập TV kích thước siêu lớn về phục vụ người dùng trong dịp lễ cuối năm nhờ nhu cầu tăng mạnh.
Theo công ty nghiên cứu Circana, doanh số TV siêu lớn là điểm sáng cho ngành thời gian gần đây. "Nhờ công nghệ cải tiến, linh kiện và sản xuất rẻ hơn, giá TV 98 inch đã giảm 53% so với một năm trước. Doanh số của chúng tăng vọt 877% trong năm qua", Paul Gagnon, Phó chủ tịch công nghệ tiêu dùng Circana, nói với CNN. "Doanh số TV từ 75 đến 96 inch cũng tăng 19% trong năm nay".
Theo Gagnon, một trong những tính năng thu hút người mua với TV kích thước siêu lớn là tùy chọn đa chế độ xem. Chẳng hạn, TV 97 inch chia màn hình thành bốn ô 48 inch giúp dễ xem cùng lúc các sự kiện khác nhau.
Chuyên gia của Circana cũng đánh giá việc TV siêu lớn tạo sức hút liên quan đến vấn đề nâng cấp của người dùng cách đây bốn năm. Bị kẹt ở nhà thời kỳ đại dịch, nhiều người đổi TV để có thể trải nghiệm chất lượng hình ảnh lớn hơn và tốt hơn. Kể từ đó, doanh số bán TV đã giảm mạnh. Dù vậy, sau bốn năm, nhiều trong số đó đã lỗi thời. Giờ đây, họ tiếp tục chu kỳ nâng cấp mới với kích thước lớn hơn nữa.