Tài chính

Từng tuyên bố không thiếu năng lượng nhờ điện hạt nhân, Pháp nay đứng trước viễn cảnh "lạnh lẽo trong bóng tối"

Chuỗi siêu thị Carrefour của Pháp đã có ý tưởng mới để ứng phó với kịch bản tồi tệ nhất đó là thiếu điện trong mùa đông: họ chế biến gà bằng lò nướng bánh sớm hơn 1 tiếng vào buổi sáng.

Đây là một trong nhiều ý tưởng mà tập đoàn này đang lên kế hoạch hoặc đã thực hiện tại 1.700 cửa hàng ở khắp nước Pháp, nhằm giảm lượng tiêu thụ năng lượng hoặc hạn chế sử dụng ở những thời điểm nhu cầu cao điểm. Theo thỏa thuận được ký kết gần đây với nhà điều hành mạng lưới điện của Pháp RTE, Carrefour sẽ tự nguyện giảm tiêu thụ năng lượng nếu nhận được cảnh báo cam hoặc đỏ - báo hiệu nguy cơ mất điện do mạng lưới quá tải.

Bertrand Swiderski – giám đốc phát triển bền vững của Carrefour, cho biết: "Việc nướng gà lúc 7h sáng thay vì 8h sáng thực chất cũng không có sự khác biệt. Có thể nước Pháp sẽ không có đủ điện cho mùa đông này, do đó chúng tôi phải chuẩn bị sẵn tinh thần."

Dù các nhà bán lẻ không sử dụng điện nhiều như các nhà sản xuất, nhưng họ cũng đang chuẩn bị sẵn cho trường hợp Pháp thiếu điện và xăng dầu. Khu vực 3 của nền kinh tế (tertiary sector) – bao gồm các cửa hàng, định chế tài chính và kinh doanh dịch vụ, tiêu thụ khoảng 16% năng lượng vào năm ngoái, trong khi ngành công nghiệp và các tòa nhà dân cư tiêu thụ 20% và 30%.

Từng tuyên bố không thiếu năng lượng nhờ điện hạt nhân, Pháp nay đứng trước viễn cảnh lạnh lẽo trong bóng tối  - Ảnh 1.

Trong một bài phát biểu gần đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo rằng nước này cần thực hiện một đợt "tổng động viên" các doanh nghiệp, hộ gia đình và cơ quan chính phủ trước khả năng Nga cắt dòng chảy khí đốt sang châu Âu. Đây là sự thay đổi rõ rệt so với thông điệp trấn an trước đó, khi chính phủ Pháp cho biết hoạt động sản xuất năng lượng hạt nhân trong nước giúp họ không gặp gián đoạn nhiều như Đức và Ý – các quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga.

Tuy nhiên, mạng lưới điện hạt nhân do Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) vận hành đã ngưng hoạt động trên diện rộng trong năm nay để bảo trì. Sản lượng điện hạt nhân đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ và buộc Pháp phải nhập khẩu điện thay vì xuất khẩu như thường lệ. Theo đó, chính phủ Pháp đã yêu cầu nhiều lĩnh vực phải đưa ra các kế hoạch dự phòng và đặt mục tiêu mới là cắt giảm 10% việc sử dụng năng lượng trong toàn bộ nền kinh tế vào năm 2024.

Nicolas Goldberg – chuyên gia của công ty tư vấn Colombus, cho biết, chính phủ Pháp đang yêu cầu các khu vực 3 cua rnền kinh tế phải quyết liệt hơn, vì họ có khả năng tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là trong giờ cao điểm từ 8h sáng đến trưa và 6h đến 8h tối. Ông nói: "Các nhà bán lẻ, quản lý cơ sở và ngành dịch vụ từ trước đến nay ít tập trung vào hiệu quả năng lượng vì đó không phải là lợi thế cạnh tranh cho họ, không như các ngành công nghiệp nặng."

Các nhà cung cấp điện từ lâu đã sử dụng hợp đồng "tạm ngưng cung cấp điện". Trong đó, các công ty đồng ý cắt giảm tiêu thụ năng lượng trong thời gian cao điểm sẽ nhận được một khoản bồi thường. Thông thường, hình thức này phổ biến hơn đối với các ngành như sản xuất ô tô, hàng không vũ trụ và sản xuất hóa chất.

Từng tuyên bố không thiếu năng lượng nhờ điện hạt nhân, Pháp nay đứng trước viễn cảnh lạnh lẽo trong bóng tối  - Ảnh 2.

Theo đó, thỏa thuận của Carrefour là giảm sử dụng điện trong những ngày RTE đưa ra cảnh báo cam hoặc đỏ, nhưng không đi kèm với khoản bồi thường nào. Tại một cửa hàng ở trung tâm Paris, các giám đốc điều hành đã giới thiệu một công cụ phần mềm cho phép họ điều khiển hệ thống sưởi, làm mát và chiếu sáng trong cửa hàng qua iPad. Nhờ đó, việc cắt giảm sử dụng điện qua phần mềm này sẽ khá đơn giản. Ngoài việc đổi giờ nướng gà, đá để giữ đông các loại cá trên tủ có thể được sản xuất sớm hơn và sau đó để tan tự nhiên thay vì dùng nước nóng. 

Một nhóm các doanh nghiệp có tên Perifem – bao gồm 11 nhà bán lẻ của Pháp, các hãng vận hành trung tâm mua sắm, hồi tháng 7 đã đạt được thỏa thuận về việc tự nguyện tiết kiệm năng lượng trong giờ cao điểm từ giữa tháng 10. Theo đó, họ sẽ tắt các biển hiệu sau khi cửa đóng cửa, sử dụng hệ thống sưởi vào mùa đông khi nhiệt độ ở mức 17 độ C (thông thường là 19 độ C), giảm độ sáng đèn xuống 50% trước khi các cửa hàng mở cửa và 30% trong giờ mở cửa.

Mức tiêu thụ năng lượng của các nhà bán lẻ thực phẩm khác nhau, tùy thuộc vào hình thức kinh doanh, sản phẩm được bày bán, thiết bị đượ chọ sử dụng để chuẩn bị, bảo quan và trưng bày thực phẩm. Các nhà phân tích cho biết, hệ thống làm lạnh thường chiếm từ 30-60% điện năng tiêu thụ, chiếu sáng là 15-25% và phần còn lại là sưởi và làm mát.

Các nhà bán lẻ Pháp không chỉ thực hiện thay đổi vì mục tiêu tiết kiệm năng lượng cho cả quốc gia, vì một số còn đang phải đối mặt với chi phí điện tăng cao khi các hợp đồng dài hạn hết hạn vào năm tới. Thierry Cotillard – sở hữu 3 cửa hàng Intermarché và là trưởng nhóm Perifem, cho biết, một siêu thị nhỏ rộng 1.000 m2 phải trả tiền điện cao gấp đôi vào năm tới, khoảng 160.000 đến 200.000 euro và khiến họ mất phần lớn lợi nhuận.

Hãng bán lẻ thực phẩm đông lạnh Picard từ lâu đã phải tiết kiệm điện vì chi phí cho khoản này chiếm khoảng 1,5% trong doanh thu 1,7 tỷ euro vào năm ngoái. Họ lắp đặt một thiết bị mới để thay thế tủ đông và đã giảm mức sử dụng điện 10% từ năm 2012 đến 2020, đặt mục tiêu giảm thêm 19% từ 2020 đến 2026.

Tham khảo FT

Cùng chuyên mục

Đọc thêm