Từ tấm gương "vượt khó làm giàu" điển hình
Năm 2022, một tòa nhà 26 tầng ở Ngạc Châu, Hồ Bắc (Trung Quốc) bốc cháy. Toà nhà này có diện tích lên tới 800.000m2, thoạt nhìn đầy đủ tiện nghi nhưng lại không có người ở. "Cư dân" tại toà nhà này chính là một đàn lợn 1,8 triệu con. Chủ toà nhà nuôi đàn lợn này chính là tập đoàn Trịnh Bang với người sáng lập là Lâm Nhân Tôn, được biết đến là "Vua lợn" ở Giang Tây.
Lâm Nhân Tôn xuất thân từ một gia đình nghèo khó, không đủ nuôi các con đi học. Lâm Nhân Tôn thành công đỗ đại học, trở thành người đầu tiên trong làng bước ra khỏi núi.
Năm 1985, một nhà máy ở Lâm Xuyên, Giang Tây lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính lớn và đang trên bờ vực phá sản. Lâm Nhân Tôn khi đó còn rất trẻ, được tín nhiệm trở thành giám đốc nhà máy.
Để quảng bá sản phẩm của mình, Lâm Nhân Tôn đã mang chúng đến tận nhà của nông dân để họ trải nghiệm miễn phí. Đồng thời hứa rằng nếu có bất kỳ tổn thất nào xảy ra, anh sẽ chịu. Hình ảnh giám đốc trẻ tâm huyết, ở xưởng hàng ngày với mong muốn cứu nhà máy đã khơi dậy tinh thần hăng say lao động của công nhân.
Chân dung Lâm Nhân Tôn. Ảnh: Toutiao
Dưới sự dẫn dắt của Lâm Nhân Tôn, nhà máy không trả hết nợ và sinh lời, mở rộng quy mô hoạt động trong 5 năm, đi lên trở thành Tập đoàn Trịnh Bang. Lâm Nhân Tôn bắt đầu phát triển cả kinh doanh chăn nuôi lợn.
Năm 2008, giá lợn hơi trong nước tăng vọt, Tập đoàn này thu lợi nhuận cao, niêm yết thành công trên Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến. Tuy vậy trên thị trường, doanh nghiệp của Lâm Nhân Tôn vẫn còn rất non trẻ.
Bước ngoặt
Trịnh Bang chỉ thực sự trở thành người dẫn đầu trong ngành chăn nuôi lợn nhờ cơn sốt lợn. Năm 2018, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, gần 1 triệu con lợn trong nước bị tiêu hủy, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lợn phá sản chỉ trong một đêm.
Giá lợn hơi đột ngột tăng từ 7-8 NDT lên hơn 30 NDT/cân. Trong bi kịch này, có người vui, có người buồn nhưng Lâm Nhân Tôn là người hạnh phúc nhất. Trịnh Bang bắt đầu xây dựng trang trại nuôi lợn ở nhiều nơi, đồng thời nhập khẩu lợn giống chất lượng cao từ nước ngoài với giá cao để bù đắp sự thiếu hụt trên thị trường lợn trong nước.
Nhờ "chiến đấu" tốt trong trận chiến này, Trịnh Bang thu về 6 tỷ NDT lợi nhuận hàng năm. Năm 2021, Trịnh Bang mở rộng nhanh chóng, có 600 công ty con trên toàn quốc với hơn 60.000 nhân viên.
Tập đoàn của Lâm Nhân Tôn trở thành doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn thứ hai ở Trung Quốc. Tài sản cá nhân của ông lên tới 23 tỷ NDT. Lâm Nhân Tôn trở thành người giàu nhất tỉnh Giang Tây
Đến "cú ngã ngựa" vì 2 chữ lòng tham
Tại cuộc họp thường niên, Lâm Nhân Tôn đã nói về mục tiêu "bán 100 triệu con lợn mỗi năm" và "tiến vào top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới". Ông Lâm còn mạnh tay chi hàng chục triệu USD để thưởng 9 chiếc BMW và 1 chiếc Porsche cho nhân viên có đóng góp nổi bật.
Nhưng không lâu sau, nhiều thông tin xoay quanh việc Trịnh Bang đang mắc khoản nợ khổng lồ 18,8 tỷ NDT (~63.700 tỷ đồng) lan truyền với tốc độ chóng mặt. Chỉ đến khi đám đông đã kéo đến toà nhà của tập đoàn với những biểu ngữ, mọi người mới tin thời kỳ huy hoàng của Trịnh Bang đã đi đến hồi kết.
Trước hết là do Tập đoàn này đã phớt lờ quy luật phát triển kinh tế và gia tăng chi phí, phớt lờ “chu kỳ lợn”. Giá lợn chịu tác động của nhiều yếu tố như thời vụ, chính sách, cung cầu… Nếu đi ngược chu kỳ phát triển thì chắc chắn sẽ thua lỗ. Lâm Nhân Tôn không cân nhắc những yếu tố này, chi 10 tỷ NDT để mua lợn giống với giá cao.
Điều khó tin hơn nữa là ông Lâm đã lấy thêm 2 tỷ NDT để mở ra một mô hình chăn nuôi lợn mới. Những người nông dân xây dựng trang trại lợn của riêng họ theo yêu cầu bản vẽ do Trịnh Bang cung cấp và Trịnh Bang thanh toán chi phí xây dựng sau khi vượt qua cuộc kiểm tra. Trịnh Bang sẽ cung cấp lợn con, thức ăn và thu mua trong tương lai, đồng thời trả công cho nông dân.
Tuy nhiên, thị trường khó lường, sau khi trang trại lợn Trịnh Bang được xây dựng, giá thịt lợn đã giảm từ khoảng 18 NDT/cân xuống còn khoảng 5 NDT/cân. Đối mặt với sự chênh lệch giá quá lớn, Trịnh Bang "trở mặt", không tiếp quản các trang trại lợn đã thành lập và họ không sẵn sàng mua lợn của nông dân với giá gốc.
Những người nông dân không kiếm được đồng nào và phải trả lại số tiền họ đã bỏ ra để xây dựng trang trại lợn. Để xây dựng trang trại lợn, nhiều người đã bỏ hết tài sản của mình, thậm chí còn phải vay nợ. Với một số trang trại, Tập đoàn này cung không giao thức ăn và thuốc cho lợn bị bệnh
Nhiều nông dân đã giăng biểu ngữ đòi tiền trong tòa nhà của Trịnh Bang, thậm chí kiện Tập đoàn này ra toà và thành công đòi được hơn 4 triệu NDT tiền bồi thường.
Sai lầm tiếp theo chính là ban quản lý Trịnh Bang không theo kịp tốc độ mở rộng, đặc biệt là quản lý quỹ. Nợ phải trả của tập đoàn năm 2020 này đã lớn hơn nhiều so với lợi nhuận ròng, đã dẫn đến khủng hoảng tài chính.
Để huy động tiền, Lâm Nhân Tôn yêu cầu nhân viên phải cùng đầu tư tiền theo cấp độ vị trí của họ. Ai không tuân theo phiếu bầu sẽ bị giáng chức và bị cắt lương. Nhân viên có thể vay tiền từ công ty dưới tên riêng của họ, với lãi suất hàng năm lên tới 8%.
Người lao động mấy tháng không được trả lương, trước những đòi hỏi vô lý của công ty, nhiều nhân viên rời đi còn hơn 30.000 người bị sa thải.
Lâm Nhân Tôn không muốn thừa nhận bản thân ông và ban lãnh đạo, sự kiêu ngạo mù quáng và bánh trướng không có tính toán đã đưa Trịnh Bang lên đỉnh cao và cũng là nguyên nhân khiến Tập đoàn đi vào ngõ cụt.
Ông chủ Lâm sau đó "nhường ngôi" cho con trai Lâm Phong. Việc xây dựng toà nhà chăn nuôi lợn trị giá 4 tỷ NDT cũng là ý tưởng của Lâm Phong. Thế nhưng sau khi toà nhà được hoàn thành, giá lợn toàn cầu giảm mạnh, Trịnh Bang lỗ 600 NDT mỗi con lợn khiến Tập đoàn này trên bờ vực phá sản.
Điều đáng nói, trong số 5 công ty kinh doanh chăn nuôi lợn hàng đầu trong nước, Trịnh Bang là đơn vị duy nhất thua lỗ. Tập đoàn này ra thông báo sẽ chuyển hướng sang ngành điện quang. Nhưng bất kỳ ai có con mắt tinh tường đều thấy rằng nuôi lợn không phải là lý do khiến Trịnh Bang thua lỗ, mà chính là bởi những người đứng đầu đã bị lòng tham làm chệch hướng đi đúng đắn ban đầu.