Sau 4 tuần tăng điểm liên tiếp, VN-Index đã có tuần điều chỉnh đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch. Trong tuần, VN-Index đã để mất 39,95 điểm, tương ứng giảm 3,6% để chốt tuần tại 1.077,15. Diễn biến giảm điểm đã xuất hiện ngay trong phiên đầu tuần, chỉ số sau đó đã có phiên hồi phục tuy nhiên áp lực bán đã kéo VN-Index giảm điểm trong 3 phiên còn lại của tuần.
So với diễn biến của các thị trường chứng khoán lớn trong tuần thì VN-Index có mức giảm mạnh thứ 3 trên thế giới và ngược chiều với hầu hết các thị trường châu Á trừ 2 chỉ số của thị trường Trung Quốc là Hangseng và Shanghai.
VHM và VIC là hai lực cản chính trong tuần với mức ảnh hưởng giảm đến VN-Index lần lượt là 5,7 điểm và 3,1 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có 5 đại diện trong top ảnh hưởng tiêu cực là VPB, TCB, ACB, CTG và BID với tổng mức ảnh hưởng là 28,1 điểm.
Chiều tăng điểm, trong Top10 xuất hiện hai cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa trung bình là SBT và ACG với mức tăng lần lượt 11,8% và 13,4% trong tuần.
Tuần vừa qua, khối ngoại tiếp tục mua ròng với giá trị 1.681 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ gom ròng 1.730 tỷ đồng. Thống kê chi tiết theo từng mã chứng khoán, cổ phiếu HPG tiếp tục được nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh nhất với giá trị 867,5 tỷ đồng trong tuần vừa qua dù Hòa Phát này đã công bố lỗ trong quý IV/2022 .
Dòng tiền ngoại còn đổ vào một số mã tài chính ngân hàng khác như STB (337,7 tỷ đồng), SSI (185,2 tỷ đồng), HDB (147,9 tỷ đồng), HCM (118,5 tỷ đồng), VND (67,4 tỷ đồng), BID (66,2 tỷ đồng), ... Nằm ngoài top10 mã được mua ròng mạnh nhất còn có VCI, MSB, SHB, ...
Lực mua còn xuất hiện tại các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC (104,9 tỷ đồng), PNJ (63,7 tỷ đồng), ... Top các mã mua ròng tuần này có chứng chỉ quỹ FUEVFVND với quy mô 317,6 tỷ đồng.
Ở phía đối diện, nước ngoài bán ròng mạnh nhất cổ phiếu VNM với quy mô 236,5 tỷ đồng. Thông tin từ doanh nghiệp, tổng doanh thu thuần của Vinamilk đạt 59.956 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 8.578 tỷ đồng, giảm lần lượt 1,5% và 19% so với 2021.
Lợi nhuận ròng cả năm là 8.516 tỷ, giảm 19%. So với mục tiêu đề ra, Vinamilk chỉ thực hiền lần lượt 94% chỉ tiêu doanh thu và 88% kế hoạch lợi nhuận. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất 7 năm qua của Vinamilk. Trong đó doanh thu nội địa, xuất khẩu, các chi nhánh nước ngoài đạt lần lượt 50.704 tỷ , 4.828 tỷ và 4.424 tỷ đồng.
Nối tiếp, mã VHM và STB cũng bị rút ròng lần lượt 181,7 tỷ đồng và 145 tỷ đồng. Các đại diện còn lại trong danh mục bán ròng gọi tên nhiều mã vốn hóa trung bình như DGC (133,1 tỷ đồng), KDC (62,9 tỷ đồng), KBC (62,7 tỷ đồng), BMP (58,2 tỷ đồng), ...
Tại HNX, khối ngoại mua ròng gần 128,6 tỷ đồng, qua đó đẩy quy mô gom ròng từ đầu năm lên hơn 430 tỷ đồng.
Về giá trị cụ thể, cổ phiếu IDC tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại với quy mô mua ròng đạt gần 65 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động giải ngân tìm đến một số cổ phiếu như CEO (18,3 tỷ đồng), PVS (10,2 tỷ đồng), SHS (9,2 tỷ đồng), PVI (7,1 tỷ đồng), ...
Tại chiều bán ròng, giao dịch rút vốn không có nhiều điểm nhấn với quy mô trên dưới 1 tỷ đồng. Cổ phiếu EID của Đầu tư và Phát triển giáo dục Hà Nội dẫn đầu danh mục rút vốn với quy mô hơn 787 triệu đồng. Ngoài ra, các nhà đầu tư bán ròng nhẹ hơn các mã như LHC, TVD, S55, PVB, ... với giá trị dưới 500 triệu đồng.
Tương tự, trên thị trường UPCoM, khối ngoại tiếp tục mua ròng với giá trị gần 48,3 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chủ yếu bán ròng hơn 23,2 tỷ đồng cổ phiếu VTP của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post).
Ngoài ra, danh mục rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài còn có sự góp mặt của LTG (2,6 tỷ đồng), SWC (2,4 tỷ đồng), CLX (1,5 tỷ đồng), ACV (1,3 tỷ đồng), ...
Ở phía ngược lại, cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn dẫn đầu danh mục rót ròng với quy mô 55,4 tỷ đồng.
Danh mục giải ngân của khối ngoại còn có các đại diện như VEA (7,9 tỷ đồng), QNS (6,7 tỷ đồng), MCH (6,2 tỷ đồng), MPC (1,4 tỷ đồng), ...