Chứng khoán Việt Nam đi ngược xu hướng hồi phục của thế giới
Đóng cửa tuần giao dịch đầu tháng 10 (3 – 7/10), VN-Index ở 1.035,91 điểm, giảm 8,5% so với cuối tháng 9. Kể từ đầu năm 2022 đến hiện nay, chỉ số mất 30,86%.
Nhóm VN30 tác động tiêu cực lên thị trường với mức giảm 9,76% tuần này, đóng cửa ở 1.039,54 điểm. Hai chỉ số thị trường của sàn HNX và UPCoM giảm lần lượt 9,65% và 5,86%. Theo đó, HNX-Index mất hơn một nửa số điểm kể từ đầu năm 2022.
Diễn biến của chứng khoán Việt Nam có phần tiêu cực hơn hai thị trường khác trong khu vực là Indonesia (giảm 0,2%) và Thái Lan (- 0,62%). Những thị trường chứng khoán lớn trên thế giới và châu Á phục hồi tuần này. Chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc tăng 4,55% và 3,59%.
Tại Mỹ, hai chỉ số S&P500 và Dow Jones tăng 1,51% và 1,99% tuần này. Tuy nhiên, hai chỉ số giảm ba phiên gần đây sau hai phiên đi lên đầu tuần, Dow Jones đóng cửa tuần vẫn dưới ngưỡng 30.000 điểm.
Khối tự doanh bán ròng 1.320 tỷ đồng cổ phiếu
Trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam, giới đầu giao dịch với tâm lý lo lắng khi VN-Index chưa có tín hiệu cân bằng. Khối ngoại và bộ phận tự doanh CTCK gia tăng áp lực bán lên thị trường. Tổng giá trị bán ròng cổ phiếu từ khối tự doanh tuần này là 1.320 tỷ đồng.
Theo thống kê chi tiết, khối tự doanh bán ròng 1.298 tỷ đồng cổ phiếu trên sàn HOSE, quy mô bán cao nhất kể từ khi trở lại công bố thông tin giữa tháng 5. Khối tự doanh tập trung bán ròng qua kênh khớp lệnh quy mô trên 1.130 tỷ đồng.
So với các tuần rút ròng trước đó, lực bán cổ phiếu trên HOSE tuần này có phần gia tăng với giá trị hai chiều mua vào và bán ra là 1.420 tỷ đồng và 2.551 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối tự doanh bán ra trong tuần thứ 7 với giá trị 7,1 tỷ đồng. Sau ba tuần mua ròng, khối tự doanh trở lại bán ra 14,8 tỷ đồng tại thị trường UPCoM.
Với giao dịch chứng chỉ quỹ ETF, chứng quyền, khối tự doanh CTCK bán ròng 695,2 tỷ đồng, cao nhất kể từ đầu tháng 6.
Mã nào được khối tự doanh mua/bán ròng nhiều nhất?
Chi tiết theo từng mã, chứng chỉ quỹ ETF nội DCVFM VN Diamond ETF dẫn đầu về giá trị bán ròng tuần này, đạt 451 tỷ đồng. Theo sau là E1VFVN30 với hơn 229 tỷ đồng. Trong khi đó FUESSVFL được mua ròng hơn 38 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng bị bán ròng trong tuần, dẫn đầu là VPB với gần 260 tỷ đồng. Top10 bán ra còn có hai mã khác là MBB (116 tỷ đồng) và EIB (82,2 tỷ đồng).
Cùng xu hướng bán ròng của khối ngoại, bộ phận tự doanh bán ròng 167 tỷ đồng cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Những cổ phiếu khác ghi nhận giá trị bán ròng 70 – 90 tỷ đồng như MWG (73,3 tỷ đồng), GEX (81,9 tỷ đồng), HDG (86 tỷ đồng), IJC (91,4 tỷ đồng).
Ở chiều mua vào, các mã đều ghi nhận giá trị dưới 35 tỷ đồng. Ba cổ phiếu được mua nhiều nhất trên 20 tỷ đồng gồm OGC (33,5 tỷ đồng), PNJ (26,6 tỷ đồng) và BCM (24,5 tỷ đồng). Những mã khác có giá trị mua ròng 5 – 20 tỷ đồng như GDM, REE, SAM, KDH, VHC và DRC.
Tự doanh mở vị thế Long/Short cân bằng với giao dịch phái sinh
Với giao dịch phái sinh, tổng khối lượng giao dịch phái sinh tuần này là 42.923 hợp đồng, nhích hơn so với 41.354 tỷ đồng tuần trước. Tổng giá trị giao dịch là 4.718 tỷ đồng.
Theo từng vị thế, khối tự doanh mở vị thế Mua (Long) với 21.088 hợp đồng, cân bằng so với 21.835 hợp đồng ở chiều Bán (Short).