Tử Cấm Thành còn được gọi là Cố Cung, nằm ở trung tâm của Bắc Kinh, Trung Quốc. Đây vừa là nơi bàn việc chính sự, vừa là nơi ở của hoàng đế cùng dàn hậu cung của mình. Công trình này được xây dựng trong 15 năm (1406 - 1420) với sự góp sức từ 1 triệu nhân lực.
Với diện tích 720.000 m2, gồm 800 cung, 9,9 nghìn phòng, Tử Cấm Thành được xem là biểu tượng về quyền lực, sự xa hoa của các hoàng đế Trung Quốc. Ngày nay, công trình này đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và trở thành điểm đến lý tưởng thu hút hàng ngàn du khách "tò mò" với chốn thâm cung bí sử này.
Ảnh: Sohu
Tồn tại hơn 600 năm lịch sử, trải qua sự cai trị của 24 vị hoàng đế nên nơi này còn chứa đựng rất nhiều điều bí ẩn mà hậu thế luôn muốn khám phá. Một trong số đó là giai thoại về hơn 70 chiếc giếng được phân bố chủ yếu tại các đại điện và hai phía Đông, Tây trong và ngoài hoàng cung nhưng không một ai dám sử dụng để ăn uống.
Điều này khiến nhiều người tò mò và đặt ra câu hỏi: Vì sao? Tất nhiên, mọi chuyện đều có lý do của nó!
Theo sử sách ghi chép, những giếng nước ở Tử Cấm Thành rất trong veo và ngọt mát. Tuy nhiên, các hoàng đế không bao giờ dùng nước giếng để pha trà, thượng thiện cũng không lấy nước để nấu ăn hay uống vì lý do an toàn tính mạng. Theo đó, có rất nhiều giai thoại xa xưa về việc tranh sủng, tranh quyền giữa chốn hoàng cung có liên quan đến việc hạ độc nguồn nước. Đặc biệt, mạch nước ở các giếng trong cung đều thông nhau, do đó chỉ cần một giếng bị bỏ độc thì những giếng còn lại cũng bị nhiễm độc theo.
Một lý do khác khiến các giếng nước ở Tử Cấm Thành trở thành nỗi ác mộng của những người trong cung là vì nơi đây gắn với nhiều cái chết uẩn khuất. Không ít cung nữ, thái giám bị ám hại và bị đẩy xuống giếng, đến những quý phi vì bị thất sủng, vì bế tắc mà chọn nơi đây để kết liễu sinh mạng, chấm dứt một phận đời bạc bẽo.
Ngoài ra, có một giả thuyết khác cũng cho rằng, người trong cung không uống nước trong giếng vì chất lượng nước ở giếng trong cung không tốt bằng nước ở trên núi. Theo đó, nước ăn uống ở trong cung chủ yếu được lấy từ núi Ngọc Tuyền, nằm ở phía tây Tử Cấm Thành.
Suối nước của núi Ngọc Tuyền rất nổi tiếng vào thời nhà Minh, theo truyền thuyết, hoàng đế Càn Long nhà Thanh thường đến đây ngắm cảnh. Vì thấy nước ở đây trong veo, có vị ngọt thanh lại cách cung điện không xa, do đó, vị vua này đã chọn vận chuyển nước từ ngọn núi này để giải quyết vấn đề nước ăn uống và sinh hoạt ở trong cung. Thậm chí, khi Càn Long đi đến phía nam sông Dương Tử, ông cũng mang theo nước này để uống trên đường.
Ảnh: Sohu
Trong số những đồn đoán ly kỳ về những cái giếng nơi đây, một lý do thực tế hơn cũng được nhiều người quan tâm. Theo trang Sohu, hơn 70 cái giếng trong Tử Cấm Thành hoàn toàn không phải dùng để phục vụ cho ăn uống và sinh hoạt như mọi người vẫn nghĩ. Giả thuyết này cho rằng chức năng chính của những giếng này là để ngăn chặn hỏa hoạn trong cung.
Hầu hết các công trình trong Tử Cấm Thành đều được làm bằng gỗ, cửa sổ được bọc bằng giấy. Thời đó, những công cụ để thắp sáng vào ban đêm là những thứ nguy hiểm hơn cả, cũng là nguyên nhân gây nên những trận hỏa hoạn kinh hoàng vào thời Gia Tĩnh và thậm chí xảy ra nhiều hơn vào thời Vạn Lịch.
Do đó, những giếng nước này chính là nguồn chữa cháy hiệu quả nhất trong Tử Cấm Thành lúc bấy giờ, giúp nơi này theo dòng chảy của thời gian vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Một quan điểm khác còn cho rằng việc xây dựng những giếng này trong Tử Cấm Thành có lẽ là vì vấn đề phong thủy.
Đến nay, tuy những giả thuyết trên vẫn chưa được kiểm chứng nhưng cũng chính vì lẽ đó mà những câu chuyện xoay quanh Tử Cấm Thành luôn trở nên thần bí và khơi gợi được sự tò mò của đông đảo những du khách, giúp nơi đây trở thành một trong những địa điểm du lịch hot nhất tại Bắc Kinh.
(Tổng hợp)