Để đạt được thành công, đôi khi chúng ta phải mạo hiểm. Một người bước ra khỏi vòng an toàn đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro. Trong khi đó, từ 20 đến 30 là thời điểm hoàn hảo để chấp nhận những rủi ro này và gặt hái thành quả. Bạn vẫn còn đủ trẻ để đứng dậy sau bất kỳ sai lầm nào và học hỏi từ những sai lầm của mình.
Trong quá trình này, bạn có thể rèn luyện sức khỏe tinh thần và sức bền của bản thân. Vì chấp nhận giúp bạn trở thành một người tốt hơn, làm quen với việc đối mặt với thay đổi và vượt qua nghịch cảnh. Dưới đây là 6 "cửa ải" phải vượt qua để phát triển trong độ tuổi 20 và 30 và dài hơn nữa là cả đời về sau:
1. Phá vỡ khuôn khổ
Hầu hết chúng ta thường thích những gì thoải mái và quen thuộc. Đó có thể là thói quen cố hữu từ trước đến nay. Tất cả đều mong muốn có công việc ổn định, hoặc đơn giản là ghé qua cùng một chỗ ăn trưa mỗi ngày. Nhưng đường mòn không phải lúc nào cũng là nơi tốt nhất.
Đặc trưng của cuộc sống là sự thay đổi, và con người cần phải thích ứng và sẵn sàng vận động cùng những thay đổi đó. Bây giờ là lúc để phá vỡ khuôn mẫu và thử một cái gì đó mới và khác biệt.
Bạn có thể thử làm những việc khiến mình không thoải mái: Leo lên một ngọn núi, tham gia một lớp học mới, phát biểu trước đám đông,... Một người càng dũng cảm làm những điều thoát ra khỏi vùng an toàn, thì họ càng dễ thích ứng với những tình huống bất ngờ trong cuộc sống.
Trong quá trình này, bạn xây dựng tinh thần dẻo dai có ích trong suốt phần còn lại của cuộc đời. Thêm vào đó, chúng ta cũng có thể khám phá bản thân mạnh mẽ đến mức nào và tiềm năng mà mình nắm giữ bên trong.
Còn ở trong vòng an toàn thì khó có sự bứt phá. Ảnh: Inc
2. Khám phá thế giới
Trước khi bạn mang trên vai quá nhiều trách nhiệm, chẳng hạn như một khoản thế chấp và gia đình, hãy tận dụng cơ hội để ra ngoài và nhìn ngắm thế giới. Việc đi xa và trải nghiệm sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thế giới và những người xung quanh. Bạn sẽ không chỉ phát hiện những điều thú vị mà còn phát triển được nhiều kỹ năng mới.
Du lịch không cần phải tốn kém nếu bạn lên kế hoạch đúng đắn. Bạn có thể tận dụng các lợi ích du lịch mùa thấp điểm như vé máy bay và khách sạn rẻ, cân nhắc những địa điểm ít được ghé thăm,... Hãy thử một lần đi trên con đường ít người đi và khám phá những cuộc phiêu lưu đang chờ đợi.
3. Cân nhắc thay đổi hoặc chuyển việc
Khi bạn ở độ tuổi 20 hoặc 30, bạn có thể đã ở vị trí hiện tại của mình trong một vài năm. Nhưng thử đặt ra câu hỏi: Liệu công ty, hoặc thậm chí là công việc hiện tại có phù hợp với bạn không? Bây giờ là lúc để quyết định. Trước khi dành tâm huyết vào một công ty, bạn nên trải nghiệm ở một số vị trí khác.
Một số thành phố đang nổi lên như một địa điểm phổ biến cho các chuyên gia trẻ. Ví dụ, Tampa không chỉ có thị trường STEM đang phát triển mà còn có chi phí sinh hoạt thấp so với các thành phố khác. Điều này có nghĩa là nếu bạn đang tiết kiệm tiền thuê nhà, đi lại và ăn uống, bạn có thể mang thêm tiền về nhà để tận hưởng những gì bạn yêu thích.
4. Bắt đầu tiết kiệm
Mặc dù tuổi trẻ là để làm những thứ mình thích, nhưng tốt hơn hết bạn nên dành ra một số tiền nào đó để tiết kiệm. Tuổi 20 và 30 là thời điểm lý tưởng để bắt đầu xây dựng tài khoản tiết kiệm.
Một số người trong chúng ta không phải là người giỏi tiết kiệm. Nếu bạn cũng đang rơi vào tình trạng đó, hãy thử sử dụng các công cụ và thủ thuật để giúp bạn đạt được mục tiêu của mình.
Quản lý chi tiêu càng sớm càng tốt. Ảnh: Coffee with the Lord
5. Học tập
Đối với một sinh viên mới tốt nghiệp, lời khuyên hữu ích nhất là quay lại trường học để tiếp tục chương trình học cao hơn. Mặc dù việc bắt đầu lại không dễ dàng, nhưng quay lại trường học khi bạn còn trẻ sẽ mang lại lợi ích lớn sau này trong cuộc đời. Có bằng cấp cao có thể giúp sự nghiệp thăng tiến và đưa bạn tiến gần hơn đến thành công.
Ngoài những hiệu quả về chuyên môn và tài chính, thói quen học tập suốt đời đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe tinh thần bằng cách duy trì sự tò mò và óc sáng tạo, đồng thời mở rộng tư duy logic và khả năng đánh giá cân bằng.
Ngoài ra, thói quen học tập liên tục có thể giúp mọi người kiểm soát các tình huống bất ngờ. Ngoài ra, học trong các lớp học hoặc môi trường nhóm có thể mang lại cơ hội tương tác xã hội hiệu quả, mở rộng khả năng giao tiếp xã hội của chúng ta và giữ chúng ta kết nối với những người khác.
Nếu không thích chương trình giảng dạy đại học, bạn có thể tham gia các khóa học ngắn hạn hoặc lớp học cấp chứng chỉ trong ngành nghề có thể giúp phát triển kỹ năng. Khi còn trẻ, chúng ta nên tận dụng các cơ hội học tập để làm nền tảng cho sau này.
6. Theo đuổi đam mê
Nếu có điều gì đó mà bạn luôn hứng thú, cho dù đó là hội họa, nấu ăn hay âm nhạc, thì bây giờ là lúc để theo đuổi nó. Khi ở độ tuổi 20 và 30, bạn có cơ hội hoàn hảo để theo đuổi những điều mình yêu thích. Không có trách nhiệm về tài chính và xã hội, bạn đang ở độ tuổi quan trọng để khám phá điều gì khiến bạn cảm thấy mãn nguyện. Việc theo đuổi đam mê không chỉ giúp bạn trở thành một người toàn diện hơn mà còn có thể giúp bạn luôn viên mãn và hạnh phúc.