Thời sự

TS Trần Du Lịch: "Công chức khó sống với lương 4 triệu đồng"

"Phía sau tiền lương của một người là quan hệ xã hội, tốt nghiệp đại học vào nhà nước lương 3-4 triệu thì đời sống, quan hệ xã hội của họ ra sao", TS Trần Du Lịch nêu vấn đề tại hội thảo khoa học lấy ý kiến cho đề án xây dựng nền công vụ TP HCM hiệu quả giai đoạn 2024-2030, sáng 4/4.

Theo quy định, người có trình độ đại học khi được tuyển vào khu vực công sẽ là công chức A1, hệ số lương 2,34. Với lương cơ sở hiện hành 1,8 triệu đồng, mức lương nhận được mỗi tháng là 4,212 triệu đồng, thấp hơn lương tối thiểu vùng (4,68 triệu đồng) dành cho lao động chưa qua đào tạo khu vực ngoài nhà nước. Sau khi trừ bảo hiểm xã hội 9,5%, tiền lương thực nhận của công chức chỉ hơn 3,8 triệu đồng. Sau đó, cứ ba năm, công chức sẽ được xét tăng hệ số thêm 0,33.

Riêng TP HCM, Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua hôm 24/6, trao cho thành phố một số chính sách đặc thù. Trong đó, HĐND thành phố được quyết định bố trí thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với mức chi không quá 1,8 lần lương. Kinh phí tùy thuộc vào nguồn cải cách tiền lương còn dư của thành phố.

TS Trần Du Lịch tại hội thảo sáng 4/4. (Ảnh: An Phương).

TS Trần Du Lịch cho rằng mỗi nước có mô hình khác nhau khi tổ chức cán bộ, công chức. Việt Nam theo hệ thống ngạch bậc, làm lâu lương cao, "sống lâu thành lão làng". Tuy nhiên ở Mỹ, cán bộ làm việc theo công việc và TP HCM cần thay đổi theo hướng này.

"Tôi không phủ nhận cơ chế ngạch bậc nhưng nên tổ chức theo công việc", ông Lịch nói, cho rằng điều này giúp một công chức dù mới vào cơ quan nhà nước nhưng có thể ngồi vào các vị trí cao với thu nhập tốt.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng thu nhập tăng thêm vẫn chưa thể đảm bảo, tiệm cận được đời sống của cán bộ, công chức thành phố đặc biệt khi lượng công việc ở TP HCM quá lớn.

PGS.TS Võ Trí Hảo, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, dẫn ví dụ nhiều xã, phường ở TP HCM có hơn 100.000 dân, tương đương với dân hai huyện miền núi, chưa kể các đơn vị kinh doanh, nhà hàng, quán ăn... "Thế nhưng việc vẫn chạy, chứng tỏ năng lực công chức thành phố cao hơn so với mặt bằng chung cả nước", ông Hảo nói, thêm rằng vấn đề đầu tiên trong việc tạo động lực cho cán bộ là giải quyết thu nhập cho họ.

Ông Hảo đề nghị Trung ương không giao cho thành phố cơ chế về số lượng biên chế, công chức theo cách truyền thống mà cần giao theo ba chỉ số, gồm: số biên chế công chức tối đa; số ngân sách tiền lương trả cho toàn bộ hệ thống công chức; hiệu quả xử lý tính theo từng hồ sơ công việc.

Từ đó, thành phố sắp xếp tối ưu hoá công nghệ thông tin để tăng hiệu quả công việc. Sau khi tối ưu hoá quy trình công việc, chi phí còn lại cán bộ sẽ được hưởng như thu nhập tăng thêm. "Làm nhiều, cực nhọc, nhưng thu nhập không tăng thêm, như thế là không công bằng với công chức TP HCM và không có động lực khuyến khích", ông Hảo nói.

Cán bộ làm thủ tục hành chính ở UBND TP Thủ Đức. (Ảnh: Quỳnh Trần).

Tương tự, GS.TS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana Bloomington (Mỹ), cho rằng trong các thách thức của nền công vụ thành phố, đứng đầu là đãi ngộ đối với người làm khu vực công còn quá thấp, cào bằng dẫn đến mất dần những người có năng lực.

"Muốn thu hút đội ngũ có năng lực, điều kiện cần đầu tiên là phải đảm bảo thu nhập đủ sống. Thu hút được hiền tài mới tạo nguyên khí cho một nền công vụ ưu tú", ông Anh nói, thêm rằng cần nâng thu nhập và hiệu quả của nhóm có thể cải thiện ngân sách nhanh, tạo ra nguồn để từ đó nâng cao thu nhập của các nhóm khác.

Để giải quyết cơ cấu thang bậc lương cứng nhắc của Việt Nam, chuyên gia này cho rằng cần thiết kế thu nhập đa cấu phần, gồm: lương cơ bản là mức lương thể hiện mức độ phức tạp, điều kiện lao động, lĩnh vực, trình độ, kinh nghiệm của lao động. Tiếp đến là phụ cấp trách nhiệm, hiệu quả công việc và địa phương.

Ngoài các quy định chung, các địa phương và một số cơ quan trung ương cần có quyền thuê hợp đồng, điều chỉnh lương trong ngân sách của họ. Một số đơn vị thực thi luật pháp có thu như thuế, hải quan, cảnh sát giao thông... được phép giữ lại một tỷ lệ thu nhỏ để tạo động lực.

Ông Ngọc Anh cũng đề xuất cho phép các cơ quan được điều chỉnh lương theo tỷ lệ lạm phát, giúp đảm bảo mức thu nhập ổn định, tăng cường tính công bằng, góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. "Công cụ này rất cần được cân nhắc trong bối cảnh một thập kỷ trở lại đây tỷ lệ lạm phát trung bình mỗi năm 3,2%", ông nói.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết đề án xây dựng nền công vụ TPHCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030 đang trong giai đoạn lấy ý kiến. Sau hội thảo, sẽ có các cuộc tham vấn chuyên gia để nghiên cứu cơ chế khoán quỹ lương, biên chế, chi lương để tạo động lực cho cán bộ. Dự kiến tháng 5 dự thảo sẽ hoàn thành để trình Ban thường vụ Thành ủy.

"Công chức không đơn thuần là công việc kiếm lương mà còn là giá trị phụng sự, đóng góp cho sự phát triển", ông Mãi nói, cho rằng mục tiêu của thành phố là xây dựng nền công vụ tiên tiến, phục vụ người dân, kiến tạo sự phát triển của thành phố, đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm