Thời sự

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: "Kinh tế 2023 khó khăn hơn năm nay, nhiều vấn đề mới phát sinh, chưa từng có tiền lệ"

Phát biểu tại Phiên toàn thể tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề: “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức" diễn ra chiều 17/12, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, việc kinh tế Việt Nam năm 2022 không bị suy thoái trong đại dịch và phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ đã khẳng định được nội lực và khả năng chống chịu khá tốt của nền kinh tế.

Những thách thức lớn cần vượt qua trong năm 2023 

 Phiên toàn thể tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023. (Ảnh: Ban KTTW).

Tuy nhiên, nên cạnh những kết quả khả quan trong năm 2022, nền kinh tế nước ta cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn thách thức cần có những quyết sách đúng đắn kịp thời để đảm bảo phục hồi vững chắc nền kinh tế trên nền tảng tích cực đã được tích lũy trong những năm qua và tạo bước phát triển bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo.    

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, sự suy yếu nhanh chóng của tổng cầu thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp lên các đơn hàng sản xuất trong nước; chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lần đầu tiên chỉ đạt 47,4 điểm, giảm dưới ngưỡng trung bình 50 điểm sau 13 tháng liên tiếp ở mức cao. Hệ lụy là ở một số lĩnh vực người lao động đã bị mất việc làm.

Cán cân thương mại dịch vụ vẫn đang bị mất cân đối ngày càng lớn, tỷ giá và lãi suất trong mấy tháng gần đây có những bước tăng đột biến phản ánh mức độ căng thẳng thanh khoản trên thị trường tài chính ngân hàng. Giải ngân đầu tư công thấp, 11 tháng ước chỉ đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Điều này tạo nên nghịch lý nền kinh tế thì thiếu vốn trong khi nguồn lực khá lớn của nhà nước lại không thể đưa vào lưu thông trong nền kinh tế.

Cùng với đó, bối cảnh tình hình thế giới và khu vực năm 2023 cũng được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Có thể thấy kinh tế thế giới đang trong giai đoạn đặc biệt khó khăn khi phải cùng lúc đối mặt với hai vấn đề rất khó giải quyết đó là suy giảm kinh tế đi liền với lạm phát tăng cao.

"Những bất cập, hạn chế từ nội tại của nền kinh tế cùng với bối cảnh thế giới đang có nhiều diễn biến bất lợi, có nhiều vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ... đang đặt ra thách thức gay gắt đối với ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng và các vấn đề an sinh xã hội trong nước; tác động trực tiếp tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển cả trước mắt và dài hạn", ông Trần Tuấn Anh cho biết.  

Thực hiện ba công điện về TPDN - BĐS - thị trường vốn 

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Ban KTTW).

Trình bày một số định hướng và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế -xã hội Việt Nam năm 2023 và thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2023, dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn năm 2022.

Lạm phát duy trì mức cao trên toàn cầu; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài kèm theo mất giá trị đồng tiền, giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng tại nhiều khu vực và quốc gia làm suy giảm sản xuất của nhiều ngành, lĩnh vực; thị trường bất động sản ở nhiều nước gặp khó khăn hơn; khu vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, thất nghiệp gia tăng dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội và chính trị ở một số nước... một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế như Anh, Mỹ, Đức, Italia...

Bộ trưởng cho hay, nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, an ninh lương thực trên toàn cầu gia tăng...sẽ tác động mạnh, kéo dài, trên phạm vi lớn tới hầu hết các quốc gia, nền kinh tế, ngay cả các dự báo lạc quan gần đây nhất cũng phải thận trọng hơn.

Do đó, Chính phủ đã đề ra những nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2023 và định hướng lớn ưu tiên gồm: Kiên định, nhất quán và bám sát quan điểm, mục tiêu, định hướng chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế,...

Lấy đổi mới, cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sản xuất.  

Chủ động, tích cực nghiên cứu, xây dựng và sửa đổi các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình cấp có thẩm quyền trong năm 2023, nhất là các dự án luật có vai trò quan trọng để cơ bản xử lý các vướng mắc, khó khăn và tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi)...hay hành lang pháp lý để khai thác không gian ngầm tại các đô thị lớn; đề án mang tính chiến lược để nhanh chóng tham gia chuỗi cung ứng chip bán dẫn, năng lượng hydro xanh... 

Tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia,..

Cùng chuyên mục

Đọc thêm