Trước phiên đấu thầu ngày 23-4, giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới 10,53 triệu đồng/lượng. Sau đấu thầu, mức chênh lên đến 13,12 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới lao dốc, vàng SJC lại tăng không ngừng
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, từ chỗ giảm sâu xuống mức 82 triệu đồng/lượng, mua vào còn 80,6 triệu đồng/lượng sáng ngày 23-4, giá vàng miếng SJC đã không ngừng tăng, bất chấp giá vàng thế giới lao dốc.
Đến chiều 24-4, giá bán vàng miếng niêm yết tại Công ty SJC lên đến 84,5 triệu đồng/lượng, gần bằng mức giá ngày 12-4 khi giá vàng thế giới ở mức đỉnh 2.394,2 USD/ounce.
Trong khi hiện nay giá vàng thế giới chỉ ở mức 2.323 USD/ounce, thấp hơn mức giá của ngày 12-4 đến 71,2 USD/ounce (tương đương 2,18 triệu đồng/lượng).
Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới chỉ còn tương đương 71,38 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường, các tiệm vàng cũng "té nước theo mưa" khi tăng giá bán vàng miếng SJC lên đến 83,8 triệu đồng/lượng, mua vào 82,5 triệu đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn đến 13,12 triệu đồng/lượng, cao hơn trước thời điểm cuối tuần trước khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng là 10,53 triệu đồng/lượng.
Đấu thầu vàng, sao không quy định mức tối thiểu 500 lượng?
Sáng mai 25-4, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu lần 2 vào lúc 9h. Tổng khối lượng vàng miếng được đấu thầu vẫn là 16.800 lượng. Tuy nhiên mức giá tham chiếu để đặt cọc là 82,3 triệu đồng/lượng, cao hơn 1,6 triệu đồng/lượng so với phiên đấu thầu hôm 23-4.
Khối lượng đấu thầu mà một đơn vị tham gia tối thiểu là 1.400 lượng và tối đa là 2.000 lượng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chuyên gia Ngô Trí Long đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc các quy định khi tổ chức đấu thầu vàng miếng gồm quy định khối lượng tối thiểu đặt thầu, mức giá đặt cọc cũng như mức giá sàn đấu thầu.
"80% lượng vàng đấu thầu phiên đầu tiên bị ế là vấn đề đáng suy nghĩ. Cả nước hiện có 38 đơn vị kinh doanh vàng nhưng có rất ít doanh nghiệp có đủ tiềm lực để mua một lần 1.400 lượng vàng, tương đương hơn 110 tỉ đồng. Sao không quy định tối thiểu ở mức 500 lượng?
Thêm vào đó việc đưa ra mức giá đặt cọc cũng như giá sàn quá cao khiến giá vàng trên thị trường bị đẩy lên. Giá vàng miếng trên thị trường cũng… té nước theo mưa", ông Long nói.
Theo ông Long, doanh nghiệp đã kinh doanh phải tính đến lợi nhuận. Nếu trúng thầu thì doanh nghiệp phải bán cao hơn mức giá trúng thầu. Như vậy, với mức giá khởi điểm đưa ra, đấu thầu không những không hạ nhiệt được giá vàng trong nước mà giá lại còn bị đẩy lên.
"Theo chỉ đạo của Chính phủ, mục tiêu là nhằm ổn định thị trường vàng trong nước, kéo chênh lệch giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới, nhưng qua phiên đấu thầu vàng đầu tiên, mục tiêu này chưa đạt được", ông Long nhận định.
Cũng nhận định giá vàng miếng SJC đang bị đẩy lên, chuyên gia Trần Duy Phương cho rằng có nguyên nhân từ lượng vàng trúng thầu ở phiên đầu tiên quá thấp. Vì vậy 3.400 lượng vàng chỉ đủ để bù trạng thái đã bán ra chứ chưa được cung nhiều ra thị trường.
"Phải chờ một nhịp chậm hơn, sau hai, ba phiên đấu thầu, lượng vàng được cung ra nhiều hơn thì giá vàng miếng SJC mới giảm được", ông Phương nhận định.
Phải thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ về quản lý vàng
Liên quan đến giá vàng, nhất là vàng miếng, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá xem xét công tác quản lý, điều hành giá quý 1 và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024 tổ chức hôm nay 24-4, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý mặt hàng vàng.
Trước mắt phải đảm bảo cung cầu, giá hợp lý. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp lâu dài về quản lý mặt hàng vàng, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước vừa đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.
"Tất cả phải vì lợi ích chung, lợi ích của nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống tình trạng thổi giá, chống lợi ích nhóm, hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp", Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.