Thời sự

Trung tướng Lê Quốc Hùng: Nghiên cứu phát triển máy bay không người lái cho cảnh sát cơ động

Ngày 5/7, tại buổi họp báo công bố luật, Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an đã thông tin một số điểm cơ bản của luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) năm 2022. Luật được thông qua ngày 14/6, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, thay thế Pháp lệnh CSCĐ năm 2013, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023.

Trung tướng Lê Quốc Hùng cho biết, Luật CSCĐ năm 2022 đã thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013.

Trung tướng Lê Quốc Hùng: Nghiên cứu phát triển máy bay không người lái cho cảnh sát cơ động - 1

Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an. (Ảnh: Như Ý)

Bên cạnh đó cũng khắc phục những khó khăn, bất cập, hạn chế của Pháp lệnh CSCĐ, phát triển, bổ sung các quy định mới nhằm thể hiện tính đặc thù của CSCĐ, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của luật khi được ban hành.

“Luật CSCĐ năm 2022 là cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc để CSCĐ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước”, ông Hùng cho hay.

Theo Thứ trưởng Công an, Luật CSCĐ năm 2022 gồm 5 chương và 33 điều. Trong đó, Chương II quy định sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự; hệ thống tổ chức của CSCĐ; điều động CSCĐ thực hiện nhiệm vụ và phối hợp thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ…

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, việc trang bị tàu bay cho CSCĐ nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, giải quyết các tình huống khẩn cấp liên quan tới chức năng của lực lượng công an nói chung và lực lượng CSCĐ như các tình huống khẩn cấp trong cứu nạn, cứu hộ, thiên tai địch hoạ, tai nạn đổ sụp công trình... CSCĐ được phép sử dụng tàu bay để thực hiện nhiệm vụ đó.

Ngoài ra, CSCĐ theo quy định của luật được sử dụng tàu bay để tuần tra, trinh sát, cơ động chuyển quân chiến đấu, vận chuyển trang thiết bị vũ khí, nhu yếu phẩm cần thiết để phục vụ công tác của CSCĐ. Thực tiễn hiện nay, lực lượng cảnh sát nói chung và lực lượng cảnh sát có chức năng như CSCĐ ở các nước, việc sử dụng tàu bay, các loại tàu bay trở thành rất phổ biến ở nhiều nước, tuỳ theo điều kiện kinh tế.

Trước khi Luật CSCĐ ra đời, quy định về việc trang bị tàu bay cho CSCĐ đã được quy định tại Pháp lệnh và Nghị định 77 của Chính phủ. Theo đó, CSCĐ được trang bị phương tiện cơ giới, đường không gồm tàu bay trực thăng chuyên dụng, tàu bay không người lái, tàu lượn, khinh khí cầu…

Theo ông Hùng, hiện nay, Bộ Công an đã tiếp tục phát triển quy định này. Quá trình triển khai thực hiện quy định này, hiện nay Bộ Công an đã có quyết định thành lập Trung đoàn không quân CAND để bước đầu tính toán về việc xây dựng lực lượng này là lực lượng hàng không chuyên dụng cho CSCĐ.

“Chúng tôi đã triển khai về mặt tổ chức và báo cáo các cấp có thẩm quyền để tiến hành mua sắm các loại phương tiện bay phục vụ cho CSCĐ. Tuy nhiên, không phải ngày một ngày hai mà hoàn thiện mà cần có thời gian”, Thứ trưởng Hùng cũng cho biết, ngoài loại tàu bay, trực thăng chuyên dụng, lực lượng cũng đang nghiên cứu để phát triển tàu bay không người lái, khinh khí cầu… để phục vụ đa dạng các nhiệm vụ của CSCĐ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm