Trung Quốc đại lục vẫn là thị trường tiền mã hoá lớn nhất Đông Á xét theo khối lượng giao dịch và đứng thứ 4 trên thế giới bất chấp các lệnh cấm giao dịch và “đào” tài sản số của Bắc Kinh, SCMP dẫn nguồn một báo cáo mới cho biết.
Trung Quốc ghi nhận hơn 220 tỷ USD giá trị giao dịch tiền mã hoá trong khoảng thời gian từ 6/2021 đến tháng 7/2022, vượt qua “thành tích” của Hàn Quốc và Nhật Bản trong cùng kỳ, theo báo cáo mới của công ty nghiên cứu blockchain Chainalysis.
“Các nhà đầu tư Trung Quốc từ lâu đã dùng VPN (mạng riêng ảo) để vượt qua các “bức tường lửa”,” ông Zennon Kapron, người sáng lập công ty tư vấn fintech Kapronasia, chia sẻ. “Một số mỏ đào bitcoin vẫn hoạt động nhưng với quy mô nhỏ hơn trước”.
Mặc dù Trung Quốc đã bắt đầu loại bỏ hoạt động đầu tư tiền mã hoá vào năm 2013 và đã cấm hoạt động đào token số từ tháng 5/2021, các động thái này khiến nhiều người muốn tránh các hoạt động quản lý bằng cách chuyển sang hoạt động ngầm.
Cũng theo báo cáo của Chainalysis, Hong Kong và Macau xếp ở vị trí số 5 và số 7 về giao dịch tiền mã hoá tại khu vực Đông Á. Tuy nhiên, tổng giao dịch của Trung Quốc đại lục đã giảm 31% so với cùng kỳ một năm trước đó. Điều này kéo tăng trưởng chung của khu vực Đông Á xuống mốc chỉ 4%, mức tăng trưởng chậm nhất trên toàn thế giới.
“Lý do lớn nhất cho điều này nhiều khả năng là hoạt động tiền mã hoá ở Trung Quốc đi xuống”, báo cáo nhận định.
Hồi tháng 9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương Trung Quốc) tuyên bố đã kiểm soát được hoạt động giao dịch tiền mã hoá như một phần của nỗ lực để duy trì tính ổn định của hệ thống tài chính. Bắc Kinh coi các đồng tiền mã hoá như bitcoin là một nguy cơ đối với ổn định tài chính và kiểm soát vốn.
Dữ liệu giao dịch mới nhất của Trung Quốc đại lục một lần nữa khẳng định nhận định trong một báo cáo trước đó của Chainalysis rằng các lệnh cấm của Bắc Kinh đối với hoạt động đầu tư tiền mã hoá dường như tỏ ra không hiệu quả.
Được công bố vào tháng 9, bảng xếp hạng 2022 Global Crypto Adoption Index của Chainalysis cho thấy Trung Quốc đại lục xếp thứ 10 trong hoạt động tiền mã hoá, tăng từ vị trí số 13 của năm ngoài nhưng giảm mạnh từ vị trí số 4 của năm 2020.
Yip Ki-nang,, lãnh đạo tại công ty tư vấn blockchain QuantBlock, nhận định các đối tượng liên quan đến blockchain và tiền mã hoá ở Trung Quốc đang dùng các chiến dịch metaverse hoặc NFT để che giấu hoạt động của mình.
Trung Quốc đại lục cũng đã xuất hiện trở lại trong hình ảnh một trung tâm đào bitcoin lớn, theo dữ liệu được công bố vào tháng 5 của Trung tâm Tài chính Thay thế Cambridge (CCAF).