Tài chính

Trung Quốc+1: Chiến lược bí mật rời xa đất nước tỷ dân của Apple, chấm dứt kỷ nguyên của những chiếc iPhone

Tờ CNN nhận định, khi Apple đang tính tới việc dịch chuyển một phần sản xuất khỏi Trung Quốc để đảm bảo các chuỗi cung ứng quan trọng trong bối cảnh những đợt phong tỏa vì dịch và căng thẳng địa chính trị gia tăng, Ấn Độ đã nổi lên như một giải pháp thay thế tiềm năng hấp dẫn.

Trên thực tế, Ấn Độ cũng không bỏ qua bất cứ cơ hội nào. Tháng trước, một trong những bộ trưởng hàng đầu của Ấn Độ cho biết Apple muốn tăng sản lượng tại quốc gia này lên 1/4 tổng sản lượng.

Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Piyush Goyal cho biết Apple đã sản xuất được từ 5% đến 7% sản phẩm của mình tại Ấn Độ. “Nếu tôi không nhầm, họ đang đặt mục tiêu tăng tới 25% sản lượng”, ông nói tại một sự kiện vào tháng Giêng.

Bình luận của ông được đưa ra vào thời điểm Foxconn, nhà cung cấp hàng đầu của Apple, đang tìm cách mở rộng hoạt động tại Ấn Độ sau khi bị gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng tại Trung Quốc.

Trong nhiều năm, Apple đã dựa vào mạng lưới sản xuất rộng lớn ở Trung Quốc để sản xuất hàng loạt iPhone, iPad và các sản phẩm phổ biến khác. Nhưng sự phụ thuộc vào nước này đã chịu thách thức lớn vào năm ngoái bởi chiến lược chống Covid nghiêm ngặt của Bắc Kinh.

Thực tế là, kể từ giữa năm ngoái, Apple đã tăng gấp đôi nỗ lực đầu tư vào Ấn Độ. Nhưng liệu nền kinh tế lớn thứ ba châu Á có thể đáp ứng?

Tarun Pathak, giám đốc nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint cho biết: “Về mặt lý thuyết, điều đó có thể thực hiện được, nhưng sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều. Sự phụ thuộc của Apple vào Trung Quốc là kết quả của gần hai thập kỷ rưỡi Trung Quốc bỏ ra để phát triển toàn bộ hệ sinh thái sản xuất điện tử của họ”. Ông Pathak cho biết thêm rằng Apple sản xuất gần 95% điện thoại tại Trung Quốc.

Những cơn đau đầu

Tuy nhiên, công ty có giá trị nhất thế giới đã công bố lợi nhuận kém một cách đáng kinh ngạc trong tháng này, một phần là do những vấn đề gần đây ở Trung Quốc. Rắc rối bắt đầu vào tháng 10, khi các công nhân bắt đầu rời khỏi nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới do Foxconn điều hành vì một đợt bùng phát Covid.

Trong khi các hoạt động tại khuôn viên rộng lớn ở Trịnh Châu hiện đã trở lại bình thường, thì các vấn đề về nguồn cung đã ảnh hưởng đến nguồn cung của các mẫu iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max trong mùa mua sắm quan trọng của dịp lễ.

Trung Quốc+1: Chiến lược bí mật rời xa đất nước tỷ dân của Apple, chấm dứt kỷ nguyên của những chiếc iPhone made in China? - Ảnh 1.

Công nhân trong nhà máy Foxconn tại Trung Quốc.

Trên hết, quan hệ Mỹ-Trung đang ngày càng căng thẳng. Năm ngoái, chính quyền ông Biden đã cấm các công ty Trung Quốc mua chip và thiết bị sản xuất chip tiên tiến mà không có giấy phép.

“Tôi nghĩ rằng họ (Apple) sẽ tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc để có một tỷ lệ sản xuất đáng kể”, Willy Shih, giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard nói. “Nhưng những gì họ đang cố gắng làm dường như là để tăng thêm sự đa dạng cho cơ sở cung ứng để nếu có điều gì đó không ổn xảy ra ở Trung Quốc, họ sẽ có một số lựa chọn thay thế”.

Shih gọi chiến lược này là “Trung Quốc +1” hoặc “Trung Quốc + nhiều hơn một”.

Trung Quốc+1

“Ấn Độ là một thị trường cực kỳ thú vị đối với chúng tôi và là trọng tâm chính”, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cho biết trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh gần đây.

Tim Cook tiếp tục: “Nhìn vào hoạt động kinh doanh ở Ấn Độ, chúng tôi đã lập kỷ lục doanh thu hàng quý và tăng trưởng hai con số rất mạnh qua từng năm và vì vậy chúng tôi cảm thấy rất hài lòng về hiệu quả hoạt động của mình”.

Ấn Độ chuẩn bị vượt qua Trung Quốc trong năm nay để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Lực lượng lao động dồi dào và giá rẻ của đất nước này, bao gồm những công nhân có kỹ năng kỹ thuật quan trọng, là một sức hút lớn đối với các nhà sản xuất.

Nền kinh tế lớn thứ ba châu Á cũng mang đến một thị trường nội địa đang phát triển. Vào năm 2023, khi những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn còn, Ấn Độ được dự đoán sẽ vẫn là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh, nếu có thể duy trì đà phát triển đó, Ấn Độ có thể trở thành quốc gia thứ ba duy nhất có GDP trị giá 10 nghìn tỷ USD vào năm 2035.

Các nhà phân tích cho rằng cơ sở người tiêu dùng ngày càng tăng của Ấn Độ có thể giúp Ấn Độ có lợi thế hơn Việt Nam, quốc gia cũng đang thu hút đầu tư nhiều hơn vào sản xuất điện tử.

Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra các chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện thoại di động. Theo Pathak của Counterpoint, Ấn Độ chiếm 16% sản lượng điện thoại thông minh toàn cầu, trong khi Trung Quốc chiếm 70%.

Cũng đã có một vài câu chuyện thành công tại Ấn Độ: Samsung, thương hiệu điện thoại thông minh bán chạy nhất thế giới, đã đi trước Apple một bước và đã sản xuất rất nhiều điện thoại của mình ở Ấn Độ.

Gã khổng lồ Hàn Quốc đã đa dạng hóa sản phẩm khỏi Trung Quốc do chi phí lao động tăng cao và sự cạnh tranh gay gắt tại địa phương từ những công ty trong nước như Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi.

Samsung hiện sản xuất phần lớn điện thoại của mình ở Việt Nam và Ấn Độ, trong đó Ấn Độ chiếm 20% sản lượng toàn cầu của Samsung.

Vào năm 2018, Samsung đã khai trương nơi được gọi là “nhà máy di động lớn nhất thế giới” tại Noida, một thành phố gần New Delhi và các nhà phân tích cho rằng công ty có thể đã mở đường cho các nhà sản xuất khác.

Các thiết bị của Apple được sản xuất tại Ấn Độ bởi Foxconn, Wistron và Pegatron. Trước đây, công ty thường bắt đầu lắp ráp các sản phẩm trong nước chỉ từ 7 đến 8 tháng sau khi ra mắt. Điều đó đã thay đổi vào năm ngoái, khi Apple bắt đầu sản xuất các thiết bị iPhone 14 mới ở Ấn Độ chỉ vài tuần sau khi chúng được bán ra.

Trung Quốc+1: Chiến lược bí mật rời xa đất nước tỷ dân của Apple, chấm dứt kỷ nguyên của những chiếc iPhone made in China? - Ảnh 2.

Công nhân trong nhà máy Foxconn tại Ấn Độ.

Một số nhà thầu lớn nhất của Apple cũng đã bơm thêm tiền vào Ấn Độ. Năm ngoái, Foxconn tuyên bố đã đầu tư nửa tỷ USD vào công ty con ở Ấn Độ.

Đầu tuần này, chính quyền bang Karnataka, miền nam Ấn Độ cho biết họ đang “thảo luận nghiêm túc về các kế hoạch đầu tư” với Foxconn. Foxconn đã có các nhà máy ở Andhra Pradesh và Tamil Nadu.

Liệu Ấn Độ có 1 nơi như Thâm Quyến của Trung Quốc?

Tuy nhiên, sản xuất ở Ấn Độ đi kèm với vô số thách thức. Theo Ngân hàng Thế giới, lĩnh vực này chỉ chiếm 14% GDP của Ấn Độ và chính phủ đã phải vật lộn để tăng con số đó.

“Một trong những điều mà Trung Quốc đã làm là họ xây dựng cơ sở hạ tầng khi có thể. Và tôi cho rằng Ấn Độ đã không xây dựng cơ sở hạ tầng khi họ có thể”, ông Shih nói, đề cập đến đường cao tốc, cảng và các tuyến giao thông cho phép hàng hóa di chuyển dễ dàng.

“Liệu Ấn Độ có thể sao chép phiên bản Thâm Quyến không?” ông Pathak đặt ra câu hỏi. Ông nói thêm, việc xây dựng những “điểm nóng” như vậy sẽ không dễ dàng và sẽ đòi hỏi Ấn Độ phải suy nghĩ về các vấn đề từ hậu cần và cơ sở hạ tầng cho đến nguồn nhân công sẵn có.

Mặc dù có những trở ngại đáng kể trong tham vọng làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Apple của Ấn Độ, nhưng làm như vậy sẽ là một động lực to lớn cho đất nước Ấn Độ và Thủ tướng Narendra Modi.

Ông Pathak cho biết: “Tôi nghĩ đó sẽ là một chiến thắng lớn, rất lớn” đồng thời lưu ý rằng mối quan hệ sản xuất ngày càng tăng với một gã khổng lồ của Mỹ như Apple sẽ lần lượt thu hút những người chơi toàn cầu khác trong hệ sinh thái sản xuất điện tử đến Ấn Độ. “Chỉ cần tập trung vào công ty lớn, những công ty khác sẽ theo sau”.

Nguồn: CNN

Cùng chuyên mục

Đọc thêm