Hồ Bà Dương là điểm dừng chân mùa đông của hơn nửa triệu con chim trời - Ảnh: AFP
Đe dọa sinh thái
Những năm hạn hán kỷ lục, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc bị cạn kiệt dần chỉ còn trơ đáy không khác gì một đồng cỏ bao la.
Các nhà bảo vệ môi trường cảnh báo việc xây đập hồ Bà Dương - điểm dừng chân mùa đông của hơn nửa triệu con chim trời - sẽ đe dọa hệ sinh thái, các loài chim đang bị đe dọa tuyệt chủng cũng như các động vật hoang dã khác mà nó hỗ trợ.
Trung Quốc đã xây hơn 50.000 đập lớn nhỏ ở lưu vực sông Dương Tử trong 70 năm qua - bao gồm cả đập Tam Hiệp, bất chấp sự phản đối của các nhà bảo vệ môi trường.
Ảnh chụp ngày 22-9-2022 cho thấy một khu vực rộng lớn bị khô cạn của Hồ Bà Dương - hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc ở Cửu Giang, thuộc tỉnh Giang Tây, miền trung Trung Quốc trở thành bãi cỏ xanh - Ảnh: AFP
Cũng trong khoảng thời gian này, ít nhất 70% các vùng đất ngập nước của dòng sông đã biến mất, theo dữ liệu từ Bộ Môi trường Trung Quốc.
Ban đầu, khi dự án được đề xuất, những ý kiến phản biện của các nhà sinh thái học đã khiến chính quyền tạm hoãn dự án. Nhưng với rủi ro hạn hán rình rập ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng hơn, dự án một lần nữa được mang ra thảo luận.
Hồ Bà Dương cung cấp nước cho 4,8 triệu cư dân của tỉnh Giang Tây. Chính quyền địa phương cho rằng việc xây đập sẽ giúp giữ nước, đảm bảo tưới tiêu cho nông nghiệp và cải thiện giao thông thủy.
Các ý kiến phản biện dường như không được xem trọng khi bản đánh giá tác động môi trường được công bố hồi tháng 5 chỉ cho các chuyên gia hai tuần để đọc 1.200 trang tài liệu và gửi các ý kiến đóng góp.
Ngôi nhà của chim, cá
Trong mùa mưa bình thường, diện tích hồ Bà Dương có thể lớn gấp ba lần thành phố Los Angeles, tức khoảng 3.897 km².
Các bãi bùn của nó là nơi kiếm ăn chính trong mùa đông cho hàng trăm ngàn con chim di cư về phía nam để tránh giá lạnh. Chúng bao gồm loài sếu Siberia cực kỳ nguy cấp mà quần thể đã giảm xuống còn khoảng 4.000 con.
Hạn hán năm nay là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 70 năm qua, khiến khu vực này chuyển sang mùa khô sớm hơn thường lệ tận ba tháng.
Hạn hán khiến khu vực hồ Bà Dương “khô héo” - Ảnh: AFP
Ảnh chụp từ trên không ngày 22-9-2022 cho thấy một đoàn tàu đang chạy trên cây cầu phía trên lòng hồ Bà Dương khô cạn ở Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, miền trung Trung Quốc - Ảnh: AFP
Vào đầu tháng 11, khi phóng viên AFP đến thăm một khu bảo tồn ở quận Yongxiu, hàng trăm con chim tập trung ở những vũng nước nhỏ còn sót lại trên lòng sông nứt nẻ.
"Chim di cư vẫn đang đến hồ Bà Dương vì đây là điểm dừng chân mùa đông quen thuộc của chúng", một nhân viên họ Chen nói khi hướng mắt về khoảng đất khô cằn đầy vỏ hến rỗng và xương cá nơi lòng hồ cạn.
"Nhưng không có tôm cá để chúng ăn. Nhiều loài chim đã kéo đến những cánh đồng gần đó vì nông dân được yêu cầu để lại một ít lúa không thu hoạch cho chim", Chen nói.
Chính quyền cũng đã bơm nước từ các hồ chứa gần đó để tạo thành các vũng nước nhỏ cho chim.
He Fangjin, nhân viên tại một công viên đất ngập nước khác, cho biết: "Không có xung đột giữa người dân và chim vì chim di cư là động vật được quốc gia bảo vệ và con người không làm hại đến chúng".
Tại đồi Zhupao, một điểm ngắm chim nổi tiếng gần đó, từ tháng 10 đến đầu tháng 12, khoảng 90.000 con chim di cư đã được phát hiện, tăng so với khoảng 62.000 con trong cùng kỳ năm ngoái.
Không rõ dự án xây đập Bà Dương đang ở giai đoạn triển khai nào vì cả chính quyền địa phương cũng như Bộ Môi trường Trung Quốc đều không trả lời phỏng vấn của AFP.
Lu Xixi, giáo sư địa lý tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết nếu con đập được triển khai, các cửa cống sẽ cản trở dòng chảy tự nhiên - nhịp điệu sinh học - của hồ với sông Dương Tử và có khả năng đe dọa các bãi triều - một loại đồng lầy sẽ nổi lên hoặc chìm dưới nước theo thủy triều - nơi chim trời kiếm ăn.
Mất đi sự lưu thông nước tự nhiên cũng có thể gây nguy cơ tích tụ tảo, dẫn đến phá vỡ chuỗi thức ăn - Ảnh: AFP
Mất đi sự lưu thông nước tự nhiên cũng có thể gây nguy cơ tích tụ tảo, dẫn đến phá vỡ chuỗi thức ăn.
Nhà bảo tồn Zhang Daqian cho rằng nếu xây đập chắn, dự kiến dài 3.000 mét bắc qua một trong các kênh của hồ, việc này sẽ cắt đứt sự liên hệ giữa hồ với sông Dương Tử và biến hồ Bà Dương thành "một cái hồ chết".
Con đập cũng có thể ảnh hưởng đến một loài cực kỳ nguy cấp khác ở hồ Bà Dương là loài cá heo không vây sông Dương Tử, hiện chỉ còn hơn 1.000 con trong tự nhiên.
Trong mùa khô, những con cá heo trú ẩn ở con kênh mà con đập sẽ bắc qua, theo lời một kiểm lâm viên của Liên đoàn thảo nguyên bảo vệ môi trường Bắc Kinh, người đã tuần tra hồ trong hơn một tháng.
Tổ chức Friends of Nature (Bạn của Thiên nhiên) có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết báo cáo đánh giá tác động môi trường về việc xây đập đã không có đánh giá toàn diện về yếu tố liệu việc di cư của cá heo có bị chặn hay không.
"Nếu không có bằng chứng khoa học toàn diện và trước khi loại bỏ các rủi ro môi trường, dự án không nên được xúc tiến", Friends of Nature kêu gọi.