Bethenny Frankel là một doanh nhân, nhà sản xuất truyền hình, podcast và là tác giả của cuốn "Business is Personal: The Truth About What it Takes to Be Successful While Staying True to Yourself" (Tạm dịch: "Kinh doanh là cá nhân: Sự thật về những gì cần để thành công khi sống đúng với chính mình"). Cô cũng là người sáng lập và Giám đốc điều hành của Skinnygirl.
Nữ triệu phú tự thân cho biết, thói quen chi tiêu của mình không có sự phân chia cụ thể giữa 2 kiểu tiêu xài với tiết kiệm. Thay vào đó, cô luôn nằm ở giữa ranh giới này.
Bethenny Frankel cho rằng mình đã đủ nhận thức để biết khi nào nên chi tiêu. Điều kiện mà cô đặt ra cho bản thân chính là: “Hãy luôn coi việc chi tiêu như những khoản đầu tư, nếu đầu tư đáng giá thì chi bao nhiêu tiền cũng được.”
Frankel nói với CNBC Make It: “Tôi không ngại chi tiền nhưng đó phải là một khoản đầu tư giá trị. Chẳng hạn, tôi vẫn có những khoản chi cho một số mặt hàng chất lượng cao như hàng xa xỉ, nhưng đó phải là thứ có giá trị lâu dài. Nó có thể là một chiếc đồng hồ, túi xách hàng hiệu…”
Frankel nói rằng triết lý này có thể áp dụng cho các giao dịch từ lớn cho tới nhỏ. Ví dụ, cô ấy sẽ không mua một ngôi nhà, trừ khi cô ấy nghĩ rằng nó sẽ mang lại lợi tức đầu tư lớn, đặc biệt là thông qua việc cải tạo.
Và bất cứ khi nào cô ấy quyết định chi tiêu, hoặc khi bất kỳ khoản đầu tư nào của cô ấy bắt đầu có xu hướng giảm, nữ triệu phú đều xem lại kế hoạch tài chính của mình. Nhờ kịp thời điều chỉnh, cô luôn đảm bảo việc chi tiêu sẽ không làm giảm đáng kể khoản tiết kiệm của cô ấy.
Bethenny Frankel có quan điểm chi tiêu và tiết kiệm rất linh hoạt. Ảnh: CNBC
“Tôi luôn đảm bảo duy trì cho mình một khoản tiết kiệm nhất định mỗi tháng,” cô nói. “Bằng cách đó, tôi vẫn có thể chi tiêu khi thị trường tồi tệ, vẫn có thể đảm bảo sửa sang lại ngôi nhà nếu muốn. Nhưng tôi có ý thức sẽ cắt giảm chi tiêu ở những khoản khác.”
Đối với Bethenny Frankel, chi tiêu và tiết kiệm giống như một chiếc bập bênh, có lên có xuống, tùy vào từng trường hợp cụ thể để điều chỉnh cho linh hoạt.
Tuy nhiên, cô cũng cho rằng, phương pháp này không phải là một chiến lược phù hợp với tất cả. Một số mặt hàng xa xỉ có giá trị lâu dài nhưng chỉ phù hợp với nhóm người có thu nhập cao.
Đồng thời, nữ triệu phú cũng tiết lộ, thói quen chi tiêu của mình không còn khó khăn, eo hẹp như trước đây. Kể từ khi đạt được một số mục tiêu tài chính nhất định, cô không còn hướng đến việc tiết kiệm càng nhiều càng tốt để nghỉ hưu sớm.
Thay vào đó, Frankel muốn “tự thưởng” cho những cống hiến suốt thời tuổi trẻ để có thể kiếm tiền. “Khi lớn tuổi hơn, tôi bắt đầu chi tiêu nhiều hơn, nhưng miễn là mọi thứ hợp lý”, cô nói.
Tuy vậy, không phải ai cũng có thể giữ "cái đầu lạnh" khi mua sắm một cách dễ dàng. Muốn cải thiện tư duy chi tiêu của mình, mọi người có thể tham khảo những bí quyết sau:
Suy nghĩ kĩ trước khi bỏ tiền
Nhiều người dễ bị thuyết phục bởi những lời kêu gọi “sản phẩm giảm giá shock”, “sản phẩm giới hạn sắp hết hàng” hay “chương trình sale có 1-0-2”. Đây là cách các nhân viên bán hàng kích thích tâm lý FOMO, khiến bạn sợ bị bỏ lỡ và hối hận. Chính tâm lý này sẽ thôi thúc chúng ta đưa ra những quyết định mua sắm không thích hợp.
Vậy chúng ta nên làm gì? Để đưa ra quyết định đúng đắn, hãy chờ đợi.
- Chống lại sự cám dỗ. Thông thường, cảm giác thôi thúc đó thường biến mất sau khoảng 24 giờ. Với những sản phẩm lớn hơn, hấp dẫn hơn thì bạn sẽ cần ít nhất 3 ngày. Qua thời điểm này, bạn hãy dành thời gian để thực sự nghĩ xem, mình có cần món đồ đó hay không.
- Sử dụng thời gian để xem review trên mạng rồi so sánh giá.
- Thử tính toán xem bạn sẽ cần làm việc bao nhiêu giờ, bao nhiêu ngày để kiếm đủ tiền mua món đồ bạn thích. Có đôi khi, con số sẽ khiến bạn từ bỏ mong muốn mua sắm.
- Kiểm tra lại những món đồ bạn đã có xem có thứ gì công dụng tương đương không. Thỉnh thoảng nhìn kĩ lại, bạn sẽ phát hiện mình chẳng cần gì nữa hết.
Tận hưởng cuộc sống theo cách khác thay vì tiêu tiền
Nhiều người thường đi mua sắm trong lúc buồn chán và họ biến shopping thành một thói quen khó bỏ để tìm kiếm niềm vui. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều chỉ vui vẻ khoảng 1 ngày với những gì mình đã mua, sau đó bắt đầu suy nghĩ đến số tiền mình đã tiêu.
Vậy cách tốt nhất để không phải hối tiếc mỗi lần chi tiêu là gì?
- Chỉ mua những món bạn cần và đừng đi siêu thị, đi trung tâm thương mại, đi bất kì cửa hàng nào nếu bạn không cần.
- Lên kế hoạch khi ghé cửa hàng nào đó. Việc mua sắm có thể rất vui nhưng chỉ khi bạn mua sắm trong tỉnh táo. Nếu bạn lên kế hoạch sẵn, bạn sẽ không thấy tiếc vì số tiền mình đã tiêu. Còn nếu bạn không lên, có khi bạn sẽ tiêu luôn những đồng cuối cùng bạn có.
*Theo CNBC