Trước tiên, tổng quan nhận định thị trường, chứng khoán Việt Nam được đánh giá thiên về gam màu sáng trong năm 2024 dựa trên nền tảng vĩ mô và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Động lực đưa nền kinh tế hồi phục đến từ việc đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ, hoạt động xuất khẩu phục hồi trở lại hay lãi suất ở vùng thấp.
Theo góc nhìn của của nhiều diễn giả tại Hội thảo Vietnam C-Suite Forum 2024, giai đoạn đáy có thể nói là thời kỳ khó khăn nhất của doanh nghiệp đã đi qua, đây là thời điểm để bàn luận nhiều hơn về câu chuyện phục hồi và tăng trưởng.
Thời điểm nhìn sâu vào tăng trưởng ngành ngân hàng hơn là chất lượng tài sản
Ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất về lợi nhuận và đóng góp khoảng 40% vốn hóa VN-Index. Nhóm ngành này đã có diễn biến khởi sắc ngay trong tháng đầu năm 2024, dẫn dắt đà tăng của chỉ số. Cũng bởi vậy, phiên thảo luận về cổ phiếu “vua” tại Vietnam C-Suite Forum 2024 chiều ngày 24/1 khá sôi nổi.
Sự quan tâm lớn không mấy khó hiểu khi nhóm cổ phiếu này lặng sóng phần lớn thời gian năm 2022 và 2023 trong khi là khẩu vị ưa thích nhất của các tổ chức. Mối lo ngại về chất lượng tài sản trong môi trường lãi suất cao những tháng cuối 2022 – đầu 2023 hay những sai phạm tại một số tổ chức tín dụng đã ảnh hưởng tới diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng trong thời gian đó.
Tuy nhiên theo chuyên gia từ IFC – Weichuan Xu, điểm yếu đang được bộc lộ của ngành ngân hàng là những vấn đề đã được tích tụ 2 – 3 năm trước đó, khi dịch COVID-19 bùng nổ. Với bức tranh vĩ mô tươi sáng hơn trong năm 2024, triển vọng của ngành sẽ có cải thiện. Trong số hơn 40 ngân hàng, vẫn có rất nhiều ngân hàng tốt có thể vượt qua những thách thức. Tuy nhiên, vẫn cần nhìn nhận kỹ những rủi ro liên quan đến quản trị doanh nghiệp (corporate governance) còn tồn tại ở một vài ngân hàng.
Đối với vấn đề chất lượng tài sản trong năm 2023, có thể nhìn nhận nợ xấu ngân hàng theo ba góc độ. Thứ nhất, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, hoạt động sản xuất đình trệ, đặc biệt ở nhóm doanh nghiệp xuất khẩu trong khi đó lãi suất cho vay những tháng đầu năm ở mức rất cao. Thứ hai là các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về dòng tiền khi thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh. Cuối cùng là các khoản cho vay mua nhà đối với những dự án chưa đầy đủ pháp lý.
Loạt yếu tố hỗ trợ ngành ngân hàng trong năm 2024
Sang năm 2024, với sự hồi phục của nền kinh tế cùng môi trường lãi suất đang ở mức thấp nhất trong 10 năm vừa qua, tình hình kinh doanh của nhóm doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sẽ có sự khởi sắc và rủi ro nợ xấu liên quan đến nhóm ngành này sẽ được tháo gỡ.
Đối với thị trường bất động sản, Chính Phủ đã có những động thái tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ kịp thời thông qua Nghị Định 08, giúp các doanh nghiệp đàm phán lại với các trái chủ để đảm bảo khả năng thanh toán, tháo gỡ khó khăn trước mắt về dòng tiền.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính thuộc Bộ Tài Chính, khoảng 45% tổng giá trị trái phiếu chậm trả đã được doanh nghiệp phát hành hoàn trả hoặc đang thương lượng với trái chủ.
Ông cũng cho biết thêm, đối với năm 2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn là 310.000 tỷ đồng.
Loại trừ trái phiếu của các tổ chức tín dung, con số này là 218.000 tỷ đồng. Tính riêng trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản, con số này là khoảng 100 nghìn tỷ đồng. Trong số những trái phiếu không trả đúng hạn trong năm 2023, khoảng 70% có nguyên nhân xuất phát từ vấn đề pháp lý.
Do đó, với khung pháp lý cũng dần được hoàn thiện với Luật Đất Đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực từ năm 2025 cùng với mặt bằng lãi suất thấp giúp giảm áp lực tài chính cho các doanh nghiệp bất động sản, tình hình sẽ có những tiến triển. Qua đó, niềm tin của nhà đầu tư cũng sẽ cải thiện giúp thanh khoản thị trường tốt hơn.
Đánh giá về hành động của cơ quan quản lý, đại diện của Chứng khoán SSI cho rằng cơ quan nhà nước đã sớm nhìn ra những vấn đề và phản ứng rất kịp thời trong 2 – 3 năm qua. Những quy định gần đây, ví dụ như Luật Các tổ chức tín dung (sửa đổi) hướng tới sự phát triển bền vững và minh bạch hơn cho ngành ngân hàng về dài hạn.
Quy định mới điều chỉnh giảm mức trần về tỷ lệ sở hữu đối với một cổ đông tổ chức cũng như 1 cổ đông và bên liên quan. Đồng thời, tỷ lệ cấp tín dung tối đa đối với một (nhóm) khách hàng cũng được điều chỉnh giảm với mục đích tiết chế dần các hoạt động cho vay sân sau.
Theo ông Alexandre Macaire – đại diện từ Techcombank, một thay đổi khác được đánh giá cao mới đây là việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp “room” tín dụng cả năm cho các ngân hàng ngay từ đầu năm để các ngân hàng linh hoạt hơn trong việc tối ưu hóa hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình.
Với sự khởi sắc trong nền kinh tế, ngành ngân hàng cũng sẽ có chuyển biến tích cực hơn trong năm 2024. Tuy nhiên, ông cho rằng cần có thêm hướng dẫn của cơ quan quản lý liên quan đến việc thu giữ tài sản đảm bảo liên quan đến các khoản nợ xấu.
Đặt kỳ vọng vào nhóm ngân hàng, theo ông Petri Deryng, nhà quản lý quỹ của Pyn Elite Fund (Phần Lan) cho biết ông có thể tiếp tục cân nhắc nâng tỷ trọng nhóm cổ phiếu này trong tổng danh mục quỹ từ 60% lên 90%. Theo nhà quản lý quỹ này, nếu nhìn lại chu kỳ trước đó, khi tình hình nợ xấu, rủi ro được bộc lộ giai đoạn 2012 – 2013 cũng là thời điểm ngành ngân hàng được quan tâm trở lại. Điều này có thể lặp lại tương tự trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Do đó, nhà đầu tư cần nhin nhận nhiều hơn tới câu chuyện riêng và tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của từng cổ phiếu trong năm 2024.
Những ngân hàng được quan tâm ở đây có thể là đơn vị có thế mạnh về vốn bởi vốn điều lệ là sự tích lũy dài hạn, không phải câu chuyện sớm chiều. Bên cạnh đó, nhà băng có bộ đệm tốt về dự phòng rủi ro, những tổ chức tín dụng đã hoàn tất đề án xử lý nợ xấu, thanh lý tài sản đảm bảo cũng sẽ có lợi thế về tăng trưởng trong năm 2024.
Trong 2 ngày 24-25/1/2023 các phiên thảo luận nằm trong khuôn khổ sự kiện Vietnam C-Suite Forum 2024 đã diễn ra tại Sofitel Legend Metropole (Hà Nội). Đây là sự kiện uy tín do CTCP Chứng khoán SSI và Citi Group phối hợp tổ chức thường niên kể từ năm 2018, nhằm kết nối dòng vốn đầu tư ngoại và các doanh nghiệp Việt Nam, dẫn đường cho doanh nghiệp Việt tìm kiếm những nguồn vốn mới hiệu quả.