Triển lãm là một sự kiện thuộc khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu Mizuiku 2024 do Suntory PepsiCo Việt Nam tổ chức, mở cửa đón khách tham quan từ ngày 23/4 đến 10/5 tại Trung tâm Thông tin Văn hóa - Đại sứ quán Nhật Bản (Đối diện số 101 Vạn Phúc, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội).
Triển lãm trưng bày các tác phẩm tranh, ảnh xuất sắc nhất trong khuôn khổ cuộc thi cùng tên do Suntory Pepsico Việt Nam tổ chức với sự bảo trợ từ Đại sứ quán Nhật Bản.
Trong số các tác phẩm được lựa chọn trưng bày tại triển lãm, những vấn đề thời sự như tình trạng thiếu nước sạch, ô nhiễm nguồn nước ở nhiều tỉnh thành đã được thể hiện đầy chân thực. Khách tham quan có thể mường tượng sự khó khăn của đồng bào Gia Lai khi phải cố khoét đất bùn giữa cánh đồng khô hạn Ayun Chư Sê để tìm chút nước ngọt sót lại trong Mạch nước giữa ruộng khô (Nguyễn Linh Vinh Quốc) hay suy ngẫm trước ánh mắt đầy bất lực, mệt mỏi của trẻ em trước tình trạng xung quanh đầy rác nhựa, ô nhiễm môi trường trong Nước và những bước chân nhỏ (Trần Thị Yến Nhi).
Phát động từ tháng 12/2023, sau hơn 3 tháng triển khai, cuộc thi đã nhận được hàng trăm bài dự thi từ khắp mọi miền đất nước. Với tinh thần lan tỏa giá trị phát triển bền vững, giáo dục về bảo vệ nguồn nước, cuộc thi mở rộng quy mô đến 3 nhóm tuổi thí sinh với nhiều hình thức gửi tác phẩm dự thi khác nhau.
Trải qua 2 tuần chấm điểm, Hội đồng giám khảo, bao gồm giám khảo chuyên môn - nhiếp ảnh gia Maika Elan, đại diện Đại sứ quán Nhật Bản, lãnh đạo chương trình Mizuiku cùng lãnh đạo cấp cao của Suntory Pepsico Việt Nam, đã chọn ra những tác phẩm xuất sắc, tiến hành trao giải tại Hội nghị Thượng đỉnh Mizuiku Toàn cầu lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam vào ngày 23/4. Theo ban giám khảo, các tác phẩm được trao giải đã đáp ứng những tiêu chí về nghệ thuật - câu chuyện - ý nghĩa truyền tải - sự đầu tư và giá trị giáo dục ứng với giá trị cốt lõi của chương trình Mizuiku.
Xuyên suốt các bài dự thi, chủ đề Nước và Trẻ em được thể hiện đầy sinh động. Đó là gương mặt của một em bé buồn bã nhìn xuống dòng kênh đặc kín rác thải trong tác phẩm Em bé và con kênh trước nhà (Nguyễn Thị Ngọc Anh) hay sự thiếu thốn nước sạch ở vùng cao và các tỉnh Nam bộ trong Nguồn nước sạch (Trần Văn Túy) và Nước sạch (Phạm Minh Giảng). Các tác phẩm đã phản ánh sự quan tâm sâu sắc và góc nhìn của cộng đồng đối với việc bảo vệ nước sạch - vấn đề còn khá nan giải ở Việt Nam.
Nhận xét về các tác phẩm dự khi, giám khảo Maika Elan cho biết: "Bên cạnh việc khai thác vấn đề thiếu nước sạch, ô nhiễm môi trường nước, tôi còn thấy được cái nhìn trong trẻo, tinh thần lạc quan của các em nhỏ, mơ ước về một thế giới mọi người đều có đủ nước sạch để dùng... nói lên mong mỏi cần sự hỗ trợ của nhiều đoàn thể, ban ngành để chung tay giải quyết, cải thiện tình hình, giúp người dân có cơ hội hưởng lợi từ những dự án nước sạch".
Bên cạnh trạm trưng bày những tác phẩm đến từ cuộc thi "Bảo tồn nguồn nước, Nuôi dưỡng tương lai", không gian triển lãm còn bao gồm 4 trạm trưng bày khác. Theo đó, người xem sẽ lần lượt được tìm hiểu "Những sự thật về nguồn nước" và "Vòng tuần hoàn của nước" qua các giai đoạn trong tự nhiên, được theo dõi "Hành trình của nước" qua những bộ phim được sản xuất trong suốt 9 năm Mizuiku được triển khai, và nhìn lại hành trình phát triển bền vững của Suntory PepsiCo trong 30 năm hoạt động tại Việt Nam.
Hội nghị Thượng đỉnh Mizuiku Toàn cầu được tổ chức trong ba ngày (23 - 25/4) đánh dấu kỷ niệm 20 năm chương trình Mizuiku - sáng kiến nhằm giáo dục thế hệ trẻ về tầm quan trọng của nguồn nước, nuôi dưỡng ý thức tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước ra đời. Việt Nam là quốc gia đầu tiên bên ngoài Nhật Bản triển khai chương trình với tên gọi "Mizuiku - Em yêu nước sạch".
Tính đến nay, "Mizuiku - Em yêu nước sạch- đã có gần 10 năm hoạt động tại Việt Nam, được ghi nhận là chương trình tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 50 năm Thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản, lan tỏa những giá trị chung về văn hóa, tác động tích cực đến xã hội.