Tài chính

Triển khai hỗ trợ 2% lãi suất: Ngân hàng Nhà nước sẽ tính toán room tín dụng hợp lý

Hệ thống các tổ chức tín dụng cũng ngay lập tức khẩn trương triển khai kế hoạch thực hiện, với kỳ vọng nguồn vốn ưu đãi sẽ sớm đến tay cộng đồng doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn sau đại dịch.

Khẩn trương triển khai chính sách hỗ trợ

Ngay sau khi có Thông tư 03/2022/TT-NHNN, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là ngân hàng đầu tiên công bố triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên lãi suất vay thực tế.

Chương trình được áp dụng đối với các thoả thuận cho vay và giải ngân từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2023 và đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại các kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ phát sinh từ ngày 20/5/2022 đến 31/12/2023. 

Agribank sẽ dừng hỗ trợ lãi suất sau thời điểm 31/12/2023 hoặc khi hết nguồn kinh phí (hạn mức hỗ trợ lãi suất) được Ngân hàng Nhà nước thông báo, tuỳ theo thời điểm nào đến trước.

Theo ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank, để triển khai thực hiện chương trình này, Agribank đã ban hành quy định nội bộ về hỗ trợ trợ lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. 

Agribank cũng có văn bản chỉ đạo đến hệ thống các điểm giao dịch và cán bộ nhân viên trên cả nước; trong đó, có yêu cầu Giám đốc các đơn vị phải trực tiếp thực hiện các công việc ngay trong tháng 5.

Thống kê của Agribank cho thấy, có khoảng gần 100.000 tỷ đồng dư nợ của các khách hàng thuộc các nhóm ngành đáp ứng đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ.

"Với những đối tượng này, ngân hàng sẽ rà soát cử cán bộ gặp gỡ, phổ biến để ký bổ sung ngay để khách hàng được hưởng. Chúng tôi cũng sẽ triển khai minh bạch, công khai tránh trục lợi. 100% khoản vay phải được kiệm tra trước khi hỗ trợ", ông Phạm Toàn Vượng cho biết.

Ông Lê Duy Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng cho biết, Vietinbank hiện đã lên danh sách sơ bộ và xây dựng văn bản hướng dẫn để thực hiện trong toàn hệ thống. Trong tuần tới, ngân hàng cũng sẽ ban hành quy định thực hiện trong nội bộ. 

Theo ước tính, số lượng khách hàng tại Vietinbank đáp ứng đủ các điều kiện hưởng 2% lãi suất hỗ trợ chiếm 30% tổng quy mô tín dụng hiện hữu.

Hai ngân hàng thương mại nhà nước còn lại là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho biết đã ban hành hướng dẫn nội bộ để triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ này.

Tại BIDV, có hơn 10.000 khách hàng hiện hữu đáp ứng điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ 2% lãi suất với gần 200.000 khoản vay. Còn ở Vietcombank, với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, các đối tượng hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ lãi suất lần này chiếm gần 30% tổng dư nợ với số lượng khoảng hơn 30.000 khách hàng.

Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, kế hoạch hỗ trợ cũng đang được nhiều ngân hàng "rục rịch" triển khai. Theo bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), đây là năm thứ 3 Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cùng đồng hành với các doanh nghiệp, cá nhân vượt qua đại dịch và gói hỗ trợ lãi suất 2% là chương trình rất lớn của Chính phủ trong năm nay.

Nhận thức rõ điều này, MBBank đang tập huấn chỉ đạo hệ thống, chi nhánh để triển khai Nghị định 31. Đồng thời, sẽ xây dựng hệ thống mẫu biểu chứng từ, để đảm bảo thực hiện chương trình chặt chẽ, trọng điểm, giải đáp thắc mắc của khách hàng.

Tuy nhiên, đại diện MBBank cũng cho rằng, trong các nội dung của Nghị định 31, liên quan nhiều tới sự phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng. Do đó, rất mong 3 Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng để trả lời kịp thời các thắc mắc liên quan, để chính sách hỗ trợ nhanh chóng đến tay doanh nghiệp.

Cân bằng bài toán room tín dụng

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 27/5, tổng tín dụng của nền kinh tế đã tăng 7,75% so với cuối năm 2021 và tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 14% trong năm nay. Với cơn khát vốn trong giai đoạn phục hồi, một số ngân hàng lo ngại không đủ room tín dụng để triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp.

Tại hội nghị triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất do Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, kết quả khảo sát ngân hàng thực hiện quý IV/2021 cho thấy, nhu cầu tăng tín dụng của khách hàng, nhất là khách hàng tốt, tăng mạnh trên 17%, tuy nhiên, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được cấp của BIDV năm nay chỉ dừng ở 10%.

Do đó, đại diện BIDV kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem sét sớm nới room tín dụng để ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác triển khai hỗ trợ thông suốt.

Đại diện Vietcombank cho biết, năm nay nền kinh tế khát vốn để phục vụ cho phục hồi tăng trưởng. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng tại Vietcombank đã đạt trên 9% chỉ trong 4 tháng đầu năm. Do đó, Vietcombank cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới room tín dụng phù hợp cho các ngân hàng chung tay với nền kinh tế.

Theo ông Lê Duy Hải, Phó Tổng Giám đốc VietinBank, với chương trình hỗ trợ 2% lãi suất, dự kiến nhu cầu tín dụng của khách hàng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Trong khi đó, khi room tăng trưởng hiện tại của VietinBank khá eo hẹp.

Vì vậy, VietinBank đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xin ý kiến Chính phủ có chính sách để hỗ trợ các ngân hàng, như loại trừ các khoản cho vay ưu đãi này ra khỏi cách tính room tín dụng.

Trong báo cáo mới đây, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV và nhóm cộng sự dự báo tín dụng sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2022, đặc biệt, vào quý II và IV/2022. Dự kiến tín dụng sẽ tăng ở mức từ 14-15% (tính cả các gói tín dụng từ Chương trình phục hồi) trong năm nay, đến từ cả phía cung và phía cầu.

Về phía cung, các tổ chức tài chính với năng lực tài chính tăng, chất lượng tín dụng được kiểm soát tích cực, sẽ được cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn năm 2021. Còn về phía cầu, nền kinh tế đang phục hồi, nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng tăng lên.

Trao đổi với báo chí, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã xác định tín dụng là một trong những kênh cung ứng vốn trọng yếu hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung mở rộng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực quan trọng, bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh để khôi phục nền kinh tế nhanh nhất. Đây là lí do tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 tháng đầu năm, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ.

Theo ông Đào Minh Tú, việc triển khai hỗ trợ 2% lãi suất có thể sẽ khiến nhu cầu tín dụng tăng hơn trong thời gian tới, khối lượng tín dụng cần cung ứng thêm cho nền kinh tế theo đó sẽ nhiều hơn. Chưa kể, phần bù đắp thêm cho kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp, do ảnh hưởng từ các sự kiện vừa qua. Do đó, đề xuất nới hạn mức tăng trưởng tín dụng là rất thực tế của các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, việc tăng room tín dụng không phải dễ dàng. Nếu tăng nóng, sẽ rất khó kiểm soát lạm phát. Vì vậy, "Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, tính toán làm sao cho lượng tín dụng bổ sung vào nền kinh tế một cách phù hợp nhất, vừa đáp ứng yêu cầu khôi phục nền kinh tế, vừa để gói hỗ trợ 2% lãi suất có đủ dư địa để triển khai nhanh và hiệu quả nhất.

Đồng thời, phải luôn nhất quán nguyên tắc điều hành tín dụng, là giải pháp để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm soát. Do đó, khối lượng tín dụng bao nhiêu, tăng bao nhiêu sẽ được tính toán hợp lý để đảm bảo các mục tiêu lớn cũng như mục tiêu trước mắt", Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm