Nhiều nghiên cứu tâm lý học cho thấy sở hữu chỉ số thông minh (IQ) cao là một lợi thế, dẫn đến kết quả học tập tốt hơn và thành công trong sự nghiệp. Tuy nhiên, có một loại trí thông minh khác cũng gắn liền với thành công trong cuộc sống, đó là trí tuệ xã hội (Social intelligence - SI).
Năm 1920, nhà tâm lý học Edward Thorndike định nghĩa trí tuệ xã hội là khả năng hiểu, quản lý người khác, cũng như hành động khôn ngoan trong các tình huống xã hội.
Trong khi IQ chủ yếu là bẩm sinh, trí tuệ xã hội được phát triển theo thời gian, thông qua kinh nghiệm tương tác với mọi người trong các tình huống xã hội khác nhau.
Các thành phần của trí tuệ xã hội gồm:
Kỹ năng nói chuyện
Một người thông minh về mặt xã hội học cách thu hút người khác vào những cuộc trò chuyện thú vị và kích thích. Họ khéo léo trong nội dung chia sẻ, giữ cho cuộc trò chuyện trở nên thú vị và phù hợp với tình huống xã hội nhất định.
Kỹ năng lắng nghe
Người thông minh về mặt xã hội là người có khả năng lắng nghe tuyệt vời. Họ chú ý đến những gì người khác nói và truyền thông điệp rằng mình hiểu những gì người đó nói.
Kỹ năng nói trước công chúng
Nghiên cứu của giáo sư tâm lý học Ronald E. Riggio phát hiện những người thông minh về mặt xã hội có nhiều kinh nghiệm nói trước công chúng. Họ có khả năng ở vị trí lãnh đạo hơn người bình thường.
Kiến thức về tương tác xã hội
Những người thông minh về mặt xã hội biết cách đảm nhiệm các vai trò xã hội khác nhau và họ giỏi việc đó. Họ hiểu rõ về các quy tắc xã hội hoặc chuẩn mực bất thành văn chi phối sự tương tác xã hội.
Nhóm người này nghiên cứu các tương tác xã hội theo cách mà một diễn viên có thể nghiên cứu một kịch bản, học để biết điều gì phù hợp và không phù hợp khi tương tác với các kiểu người khác nhau. Với ưu điểm này, nếu có cơ hội tiếp xúc với những người thuộc các nền văn hóa và sắc tộc khác nhau, họ có khả năng nhận thức và nhạy cảm về văn hóa tốt hơn.
Hiểu động cơ (và cảm xúc) của người khác
Những người có trí tuệ xã hội cao là những người có khả năng quan sát mọi người tuyệt vời. Họ hòa mình vào những gì người khác đang nói và cư xử, để "đọc" ra suy nghĩ và cảm nhận của người đó.
Trí tuệ cảm xúc (EQ) có thể được coi là một mối tương quan và một tập hợp con của trí tuệ xã hội.
Quản lý ấn tượng
Các cá nhân thông minh về mặt xã hội theo dõi và kiểm soát hành vi để tạo ấn tượng tích cực với người khác. Tuy nhiên, họ cũng cố gắng đạt được sự cân bằng giữa việc quản lý hình ảnh của mình và việc trở nên chân thực một cách hợp lý, để người khác có thể nhìn thấy con người thật.
Làm thế nào bạn có thể phát triển trí tuệ xã hội?
Theo giáo sư tâm lý học Ronald E. Riggio, nỗ lực và chăm chỉ là yếu tố tiên quyết. Hãy bắt đầu bằng cách chú ý nhiều hơn đến thế giới xã hội xung quanh. Bạn cần tham gia một khóa học diễn xuất hoặc ứng biến để trở thành một diễn giả hoặc một người trò chuyện hay hơn.
Cố gắng lắng nghe tích cực hơn bằng cách phản ánh lại những gì bạn tin người nói đã nói để chắc chắn mình hiểu rõ.
Quan trọng nhất, giáo sư tâm lý học Ronald E. Riggio, khuyên hãy nghiên cứu các tình huống xã hội và hành vi của chính bạn. Học hỏi từ những thành công và thất bại xã hội của bạn.
(Theo Psychology Today)