Tranh thủ lúc giá card đồ họa lao dốc, Thanh Hòa ở Bình Định tìm mua một lô RX 580 Sapphire Nitro Special Edition 8 GB cũ với giá một triệu đồng mỗi chiếc. Hòa cho biết anh mua card về hút chân không, đóng thùng chờ mùa sau lắp trâu đào tiền số. Tuy nhiên khi tháo thiết bị ra vệ sinh, anh phát hiện hầu hết số card trong lô 50 chiếc đã bị khò hàn, đóng lại GPU, sửa chữa cẩu thả.
Hòa liên hệ với người bán để đổi mã khác hoặc chấp nhận thu mua lại với giá rẻ hơn, nhưng người này nói cửa hàng chỉ còn mã Asus ROG Strix Radeon Rx 570. Tuy nhiên, đây cũng là hàng nhập về từ Trung Quốc, không cho đổi trả.
Sau khi chia sẻ thông tin lên các hội nhóm khai thác tiền số để cảnh báo, Hòa phát hiện nhiều người cũng mua phải lô hàng tương tự. Trên thị trường, một chiếc RX 580 Sapphire Nitro Special Edition 8 GB mới có giá 2,8 triệu đồng. Hàng Trung Quốc được gia công lại rẻ bằng 1/3, nhưng nếu tính về hiệu quả sử dụng lại đắt hơn nhiều so với giá thanh lý của thợ đào trong nước.
Ông Xuân Thanh, đại diện một hệ thống tin học lớn tại TP HCM, chuyên cung cấp và lắp ráp các dàn máy đào tiền mã hóa, nói: "Card đồ họa Trung Quốc tràn về Việt Nam từ nửa tháng trở lại đây. Nhiều thương lái tranh thủ núp bóng thợ đào để tuồn hàng chất lượng kém ra thị trường". Ông Thanh lưu ý, các lô card màn hình nhập về từ Trung Quốc thường bị sửa nhiều, đặc biệt là đóng lại GPU, Vram (lưu trữ hình ảnh và video, hoạt động song song với GPU). Điểm chung của card này là dễ lỗi xuất hình, có thể "chết" bất kỳ lúc này nên cũng không thể chơi game, đào tiền mã hóa. Theo ông, card đồ họa Hòa mua là hàng nát nên giá một triệu đồng nghe có vẻ như món hời nhưng thực ra là quá đắt. Nhiều thợ đào trong nước đang thanh lý model này với giá khoảng 800-900 nghìn đồng.
Ngọc Can, quản lý một nhóm đào tiền số với gần 70 nghìn thành viên, cho biết thị trường card đồ họa cũ đang sôi động hơn rất nhiều trong khoảng một tuần trở lại đây. Hậu The Merge, hầu như chỉ có người bán không có người mua và lúc này, giá card vẫn còn cao. Còn khi các lô hàng từ Trung Quốc tràn về, giá card gần như chạm đáy, một số ham rẻ mua về để dành nhưng không biết mình đã bị lừa.
Theo ông Can, trong giới khai thác tiền mã hóa, việc trao đổi card đồ họa cũ thường mặc định người mua không được xé tem, tháo ốc kiểm tra, do đó rất khó biết thiết bị đã bị sửa chữa chưa. Ông cảnh báo người dùng không nên ham rẻ và phải thỏa thuận kỹ với người bán về việc hoàn trả trong trường hợp phát hiện lô hàng có vấn đề.
Những người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực khai thác tiền số cho biết các lô hàng từ Trung Quốc đang tràn ngập thị trường và ngay cả những người trong nghề cũng có thể bị lừa. Người dùng phổ thông hoặc các game thủ nên tìm mua card mới, được bảo hành chính hãng, không nên 'săn' hàng cũ giá rẻ trong giai đoạn này, tránh tiền mất tật mang.
Đại diện một hệ thống phân phối thiết bị tin học chính hãng tại TP HCM cho biết từ cuối tháng 8, giá card đồ họa đang giảm mạnh về sát mức đề nghị của nhà sản xuất, tuy nhiên nhu cầu của người dùng không quá lớn. Nhiều người có tâm lý chờ model mới ra mắt nên thị trường chính hãng vẫn khá trầm lắng.