Trong báo cáo tổng kết Luật Tổ chức chính quyền địa phương gửi Bộ Nội vụ mới đây, UBND TP HCM tiếp tục có đề xuất về xây dựng Luật Đô thị đặc biệt.
Phân cấp, phân quyền chưa triệt để
Theo UBND TP HCM, Luật Tổ chức chính quyền địa phương góp phần tạo cơ sở pháp lý về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; bảo đảm nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND và UBND các cấp.
TP HCM luôn được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo, tạo thuận lợi. Đặc biệt, với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 131/2020 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM, Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM... địa phương có cơ hội lớn để phát triển nhanh, bền vững.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, thành phố cũng gặp không ít vướng mắc do một số cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách chưa có điều kiện thực hiện như cơ chế huy động nguồn lực thực hiện dự án, phát triển kinh tê - xã hội. Bên cạnh đó, tiềm năng, lợi thế của thành phố chưa được khai thác tối đa.
Việc thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền hiện nay chưa thực hiện triệt để, một số nội dung về phân cấp của Trung ương cho chính quyền địa phương thực hiện nhưng còn quy định phải báo cáo xin ý kiến của bộ, ngành trước khi quyết định. Ngoài ra, việc kiện toàn tổ chức bộ máy và biên chế của chính quyền địa phương đã được tiến hành sắp xếp theo quy định, tuy nhiên vẫn chưa thực sự tinh gọn, chưa tương ứng với nhiệm vụ được giao...
Với mục tiêu phát triển TP HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cho chủ trương xây dựng Luật Đô thị đặc biệt.
Theo tìm hiểu, chủ trương xây dựng Luật Đô thị đặc biệt được TP HCM đeo đuổi, kiên trì kiến nghị nhiều năm qua.
Nên có sớm
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM, đánh giá các cơ chế đặc thù hiện nay chưa đáp ứng hết yêu cầu phát triển và vấn đề thực tiễn đặt ra tại thành phố.
TP HCM là đầu tàu cả nước trên nhiều lĩnh vực nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức; nhiều chuyện cũ chưa được giải quyết thì những vấn đề lớn mới phát sinh. Bên cạnh đó, thể chế, chính sách còn cần tháo gỡ để tránh chồng chéo, chung chung.
"Hiện nay có một bộ phận cán bộ, công chức không dám làm một phần do sự chồng chéo, xung đột của pháp luật. Mà khi pháp luật xung đột thì dễ rủi ro nên họ sợ, họ e dè là điều dễ hiểu" - bà Phạm Phương Thảo lý giải và cho rằng cần tiếp tục kiến nghị Trung ương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa cho TP HCM. Bà cũng kiến nghị nên có Luật Đô thị đặc biệt dành cho TP HCM, có như vậy mới tháo gỡ được những vấn đề căn cơ của một siêu đô thị.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa chung quan điểm TP HCM giữ vai trò đầu tàu về nhiều mặt như kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục, giúp Việt Nam gia tăng địa vị trong cạnh tranh quốc tế. Trong suốt thời gian dài, thành phố đóng góp lớn vào tăng trưởng cả nước.
Hiện TP HCM đã có Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội. Tuy nhiên, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, về lâu dài, cần xây dựng Luật Đô thị đặc biệt cho TP HCM, tương tự Hà Nội có Luật Thủ đô. Đây sẽ là hành lang pháp lý trung và dài hạn để các cơ quan không phải xây dựng nghị quyết cơ chế đặc thù cho thành phố với tính chất thí điểm trong vài năm.
TS Bùi Ngọc Hiền, giảng viên Học viện Cán bộ TP HCM, nói thành phố nên đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có thể bổ sung các luật mới. Điều này, nếu không thể giải quyết tất cả vấn đề của thành phố nhưng ít nhất sẽ góp phần tạo lập cơ chế nội sinh để TP HCM có thể chủ động trong xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm quản lý, tổ chức phát triển thành phố một cách kịp thời, hiệu quả hơn. "Bởi nếu chúng ta cứ thí điểm, 5 năm, 10 năm nữa thì cũng có thể vẫn theo vòng luẩn quẩn và sẽ lỡ nhịp trong cơ hội phát triển" - TS Bùi Ngọc Hiền nêu ý kiến.
Phải có đặc thù riêng
Trong báo cáo gửi Bộ Nội vụ, UBND TP HCM cũng đề xuất sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng tách biệt Luật Tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị.
UBND TP HCM cho rằng chức năng chính của chính quyền ở địa bàn đô thị là tham gia phát triển các dịch vụ đô thị, quản lý trật tự đô thị, bảo vệ môi trường, xây dựng khu phố văn hóa... Trong khi đó, chức năng chính của chính quyền ở địa bàn nông thôn là thực hiện các chính sách và triển khai những biện pháp nhằm giải quyết tốt các vấn đề như nông nghiệp, nông thôn, nông dân; xây dựng nông thôn mới, phát huy truyền thống tình làng nghĩa xóm chăm lo đời sống nông dân và cư dân ở nông thôn trên địa bàn khá rộng...
Chính sự khác nhau như trên đòi hỏi tổ chức bộ máy chính quyền đô thị phải có đặc thù riêng để bảo đảm cho việc quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công ở đô thị được thực hiện tập trung, thống nhất, nhanh nhạy và thực sự có hiệu lực, hiệu quả.