Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã gửi văn bản tới các Tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân TP. HCM tại văn bản số 371/UBND-ĐT ngày 19/4/2022 về việc triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường BĐS Thành phố ổn định, lành mạnh; Thanh tra, giám sát ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các Tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn. Quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, chuyển tiền thu được từ BĐS ra nước ngoài, thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân, hạn chế tín dụng cho đầu tư BĐS cao cấp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ bản động sản.
“Thanh tra, giám sát ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các TCTD nghiêm túc triển khai thực hiện nội dung nêu trên”, văn bản nêu rõ.
Hiện, tín dụng bất động sản chiếm khoảng 18-20% tổng dư nợ nền kinh tế, tương đương 2 triệu tỷ đồng . Tăng trưởng cho vay với lĩnh vực này cũng dần hạ nhiệt, từ mức trên 26% năm 2018, giảm còn 12% năm 2021.
Trước tình trạng dòng vốn cho thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng, thời gian qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có những chỉ đạo về kiểm soát dòng vốn chảy vào lĩnh vực này từ kênh tín dụng và trái phiếu.
Cụ thể, ngân hàng Nhà nước đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, yêu cầu thực hiện kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro. Cụ thể, tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật, kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý.
Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh BĐS, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp…
Trước đó, thông số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính từ đầu năm đến hết 31.3, tăng trưởng tín dụng tăng 5,04% (số liệu tính đến ngày 20.3 là 4,03%) và tương đương với mức tăng 15,9% so với cùng kỳ. Như vậy, quy mô tín dụng đã tăng gần 526 nghìn tỉ đồng chỉ trong quý 1/2022 và hơn 100 nghìn tỉ đồng chỉ trong 10 ngày cuối tháng.