Chị Thúy Vi (46 tuổi) bị khuyết tật vận động chân phải từ lúc 3 tuổi, do biến chứng của cơn sốt bại liệt.
Sau nhiều biến cố, chị tốt nghiệp đại học ở tuổi 34 và sáng lập cơ sở này với tâm niệm thật giản dị: "giúp người khuyết tật có một nghề để sống".
Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nghe chị kể lịch làm việc "năng suất" của mình: "Thứ hai, thứ ba và thứ sáu tôi dạy tại đây. Còn thứ tư và thứ năm, tôi dạy nghề cho người khuyết tật ở Trung tâm giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM (ở Hóc Môn). Cuối tuần, tôi vừa chăm sóc con gái 5 tuổi, làm tranh và tìm khách hàng, có khi thức đến 1 giờ sáng".
TP.HCM nghĩa tình là loạt bài của Báo Thanh Niên thực hiện nhân dịp 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025).
Loạt bài mong muốn khắc họa những con người thuộc nhiều tầng lớp, tôn giáo khác nhau (trong đó có những tấm gương được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM giới thiệu để bình chọn 50 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM giai đoạn 1975 - 2025) nhưng đều chung tấm lòng nhân ái, sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ những mảnh đời thiếu may mắn, cần sự cưu mang, chia sẻ.
Bằng những nghĩa tình, họ dìu nhau qua cuộc sống và cùng nhau góp phần dựng xây nên một Sài Gòn - TP.HCM luôn phát triển, bao dung, ấm áp và tràn đầy yêu thương cho tất cả những ai đến vùng đất này.
Đi học đại học lúc 30 tuổi
Năm 1997, tốt nghiệp THPT, chị Thúy Vi thi đậu vào Trường đại học Kiến trúc TP.HCM nhưng đành gác lại giấc mơ vì hoàn cảnh gia đình "thiếu trước, hụt sau".

Chị Thúy Vi (bên trái) dạy nghề miễn phí cho chị Nguyễn Ngọc Bích (56 tuổi)
ẢNH: M.D
"Ba mẹ tôi đều là họa sĩ, gia đình không khá giả. Tôi không có tiền đóng học phí, lại lo người khuyết tật như mình học xong cũng khó xin việc. Lúc đó tôi nghĩ, chỉ cần kiếm được đồng tiền chân chính là đủ, nên xin đi làm công nhân", chị Vi nói.
Năm 18 tuổi, chị làm công nhân lắp ráp đồng hồ tại Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7. Sau 4 năm cần mẫn làm việc, chị dành dụm được một khoản tiền nhỏ và bắt đầu "nghĩ khác về tương lai". Ban ngày đi làm, tối đến, chị theo học trung cấp đồ họa vi tính tại Trường đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM.
Kết thúc khóa học, chị làm họa sĩ vẽ hoạt hình cho một doanh nghiệp, mỗi ngày bắt xe buýt hơn 20 km đi làm. "Thấy mình nhận lương thấp hơn so với các đồng nghiệp có bằng đại học, tôi không ngại bắt đầu lại, quyết định thi lại và học đại học chính quy", chị kể.
Bài viết được thực hiện nhân kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam (18.4.1998 - 18.4.2025) nhằm ghi nhận và biểu dương những tấm gương người khuyết tật đã nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn, đạt nhiều thành tựu trong công việc, cuộc sống và đóng góp thầm lặng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố.
Năm 2008, gần 30 tuổi, chị Thúy Vi vào ngành Mỹ thuật công nghiệp, Trường đại học quốc tế Hồng Bàng. Rồi sau đó là chuỗi ngày chị vừa học vừa làm, ai thuê gì vẽ đó, tranh thủ nhận thêm việc buổi tối để trang trải chi phí. Dù vậy, tiền kiếm được, chị chỉ xoay xở vừa đủ mua vật liệu như giấy, màu vẽ, chứ không dám nghĩ đến mua máy tính, máy ảnh.
"Lúc đó, bạn bè đồng trang lứa đều đã đi làm, chỉ còn mình tôi là sinh viên lớn tuổi trong lớp. Nhưng tôi mạnh dạn vay ngân hàng chi trả học phí, tự nhủ đi làm sẽ trả dần", chị Vi nhớ lại.
Đầu năm 2013, chị tốt nghiệp, manh nha một ý tưởng giản dị: mở cơ sở tranh giấy xoắn để mưu sinh và dạy nghề cho những người khuyết tật, như mình.

Bên phải là chị Nguyễn Ngọc Mỹ (35 tuổi, quê Vĩnh Long) bị khuyết tật vận động tay chân đã học nghề từ tháng 2.2025
ẢNH: M.D
Tình yêu dành cho nghệ thuật giấy xoắn nảy nở trong chị một cách tự nhiên. "Tôi mê những đường xoắn tạo nên bức tranh có hồn. Nhưng hỏi tại sao mê thì không trả lời được. Nó như một thứ gen đã có sẵn trong máu. Và chỉ đợi có chút vốn, tôi sẽ khởi nghiệp", chị Thúy Vi bộc bạch.

Công việc phải ngồi lâu và cúi đầu chăm chú, chị Vi thường xuyên đau cổ vai gáy
ẢNH: M.D
Chị Vi luôn nghĩ, ít ra mình còn may mắn được học hành, nên chị muốn giúp đỡ những người khuyết tật kém may mắn hơn có công việc nhẹ nhàng để làm. Từng làm công nhân, chị thấm thía người khuyết tật tìm việc khổ sở thế nào.
Cuối năm 2013, chị Vi giành giải nhất cuộc thi sáng tạo clip về mùa xuân của một tờ báo, phần thưởng 10 triệu đồng.
Và chị dùng "vốn liếng" này để mở cơ sở dạy nghề miễn phí tranh giấy xoắn Alice. Dần dần, nhiều người khuyết tật tìm đến học.
Năm 2013 cũng là năm chị bắt đầu quen biết chồng hiện tại, anh Nguyễn Huệ Trang.
"Anh ấy thấy tôi đi xe đạp vất vả quá nên dành dụm mua tặng tôi chiếc xe máy cũ. Anh là trẻ mồ côi, khuyết tật chân trái, còn tôi thì khuyết chân phải, như hai mảnh ghép bù trừ. Rồi anh còn tập xe cho tôi nữa", chị cười hiền.
Kể từ khi biết chạy xe máy, chị tự mình đi mua nguyên liệu, giao đơn hàng và tìm khách. "Người khuyết tật chạy xe máy không dễ dàng. Nhưng tôi nghĩ bụng, lỡ ai đụng bên phải thì té, còn may mắn, bên trái thì tôi chống được chân thôi", chị dí dỏm.
Hơn 10 năm dạy nghề cho người khuyết tật
Từ đó đến nay, chị Thúy Vi nhận dạy người khuyết tật từ 16 - 60 tuổi và với chị, học viên nào cũng đặc biệt.
Chị Vi chậm rãi suy tư: "Tôi không cho phép mình nhớ đã giúp đỡ bao nhiêu người. Chỉ cần các bạn học xong, làm được, sống được, vậy là tôi hạnh phúc rồi".
Năm 2021, chị Trần Thụy Thúy Vi nhận bằng khen của Bộ LĐ - TB - XH vì đã có thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên trong học tập, lao động giai đoạn 2016 - 2020.
Trung bình, mất khoảng 1 tháng để học viên làm quen. Ví dụ, với người mới, làm 1 tấm thiệp mất nửa ngày, sau này quen tay có thể làm được 20 tấm/ngày.

Các sản phẩm nhỏ như bông tai, móc khóa, với giá từ 50.000 đồng trở xuống
ẢNH: M.D
"Nhiều lúc đi chào hàng, tôi không nói là sản phẩm do người khuyết tật làm. Tôi muốn họ mua vì thấy đẹp thật sự, chứ không phải vì thương hại. Nhiều người nghĩ, người khuyết tật làm lâu thì giá thành sẽ cao hơn. Nhưng không, thậm chí sản phẩm của họ phải chăng và có hồn nữa", chị Vi bày tỏ.
Nhiều khi làm xong thấy không vừa ý, chị gỡ ra, làm lại từ đầu. Công việc phải ngồi lâu với tư thế cúi đầu, chị thường xuyên đau cổ vai gáy.
Ngày trước, chị chuyên làm tranh lớn, giá thành cao nên ít người mua. Thấy vậy, chị chuyển sang làm các sản phẩm nhỏ như bông tai, móc khóa, với giá từ 50.000 đồng trở xuống. Dù có những khách hàng yêu cầu làm nhanh và ép giá, chị kiên quyết "giữ giá, phù hợp với chất lượng sản phẩm".

Có những sản phẩm công phu phải tốn 10 ngày để hoàn thiện
ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Giờ đây, khi đã đi qua những ngày đầy bế tắc, chị cảm thấy may mắn vì được làm công việc phù hợp với khả năng: "Bây giờ, tôi chỉ biết mang ơn cuộc đời. Và kim chỉ nam của tôi là không chờ đợi, mà chủ động tìm cách vượt qua, rồi sẽ qua".
Từ tháng 9.2024, chị bắt đầu giảng dạy tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM (ở Hóc Môn). Đến lớp, chị cố gắng tạo không khí thoải mái, mua bánh kẹo động viên các em học nghề. Ở đó, chị chứng kiến nhiều nỗi đau của người khuyết tật vật động, bại não, câm điếc và tự nhủ: "Nếu chưa thể làm được những việc lớn, tôi sẽ làm những việc nhỏ với tình thương lớn".
Về dự định tương lai, chị Vi mong muốn mở rộng kết nối với những người khuyết tật đang làm các nghề thủ công khác để tạo nên một cộng đồng có thể sản xuất đa dạng sản phẩm thủ công.
Chị kết hôn vào năm 2016 và sinh con gái khỏe mạnh ở tuổi 40. Mặc dù mang thai và sinh con không dễ dàng vì sức khỏe yếu, nhưng chị luôn giữ thái độ lạc quan: "Rồi cái gì cũng qua". Chồng chị luôn đồng hành và ủng hộ chị trong các hoạt động thiện nguyện.
Chị Nguyễn Ngọc Bích (56 tuổi) đưa con gái Nguyễn Ngọc Bảo Ngân (25 tuổi) đến học nghề tại cơ sở của chị Vi. Trước đây, Ngân là sinh viên Trường đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Biến cố xảy ra, em mắc viêm não và phải điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM.
Hiện sức khỏe của Ngân chưa ổn định để quay lại giảng đường, nên chị Bích xin học cùng con để đồng hành và động viên con gái. Hiểu hoàn cảnh, chị Vi vui vẻ nhận lời. Chị Bích tâm sự: "Cô giáo là người luôn sẵn lòng cho đi, nhiệt tình và yêu thương vô điều kiện".