Ông Nguyễn Đức Lệnh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết đây cũng là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Cùng kỳ năm 2023, kiều hối chuyển về địa bàn chỉ tăng 19,4%, còn quý 1-2022 kiều hối chuyển về tăng 14,2%.
"Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn và xung đột địa chính trị phức tạp, kết quả kiều hối của quý tiếp tục phản ánh xu hướng tăng trưởng và những tác động tích cực đối với hoạt động kinh tế xã hội, trong vai trò nguồn vốn để khai thác, sử dụng, hỗ trợ và phát triển", ông Lệnh nói.
Xét về cơ cấu, kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á tiếp tục chiếm tỉ trọng cao nhất, chiếm 59,1% trong tổng lượng kiều hối chuyển về trong quý 1, tăng 7,5% so với quý trước và tăng 86,1% so với cùng kỳ.
Với tỉ trọng lớn và tốc độ tăng trưởng cao, kiều hối chuyển về từ khu vực này đã trở thành yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kiều hối về TP.HCM trong quý 1. Trong khi đó lượng kiều hối chuyển về từ châu Âu và châu Đại Dương giảm.
Cũng theo ông Lệnh, kinh tế phục hồi và duy trì tăng trưởng, với môi trường chính trị ổn định của khu vực châu Á. Bên cạnh đó các hoạt động thương mại dịch vụ, du lịch, cùng thị trường lao động mở rộng và phát triển là những yếu tố quan trọng liên quan đến lao động, việc làm và thu nhập của kiều bào, người lao động Việt Nam ở nước ngoài.
Từ đó tạo điều kiện thúc đẩy kiều hối duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định từ khu vực này trong những năm gần đây và trong những tháng đầu năm 2024.
"Cùng với cơ chế chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước về kiều hối, ngoại hối và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi là những cơ sở vững chắc thu hút nguồn kiều hối chuyển về TP.HCM trong những năm qua", ông Lệnh nói thêm.