Khoa học

TP.HCM đã chi gần 16.000 tỉ đồng cho khoa học công nghệ trong 10 năm

TP.HCM đã chi gần 16.000 tỉ đồng cho khoa học công nghệ trong 10 năm - Ảnh 1.

Sự kiện trải nghiệm khoa học công nghệ tại Khu Công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Ngày 30-9, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết 20-NQ/TW (2012) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chuyển từ đầu tư dàn trải qua tập trung 

Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, trong hơn 10 năm qua, thành phố đã dần chuyển từ tình trạng "đầu tư dàn trải" sang tập trung cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tập trung vào một số đề tài, dự án trong các lĩnh vực trọng điểm.

Các hoạt động đã tạo ra nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ có tính đột phá, được thành phố chú trọng bao gồm y tế, cơ khí chế tạo, năng lượng, quản lý đô thị, chip vi điện tử, công nghệ nano, nông nghiệp công nghệ cao...

Thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho thấy phân bổ ngân sách Nhà nước của thành phố cho hoạt động khoa học và công nghệ trong giai đoạn 2011-2021 là 15.828 tỉ đồng.

Trong đó, chi cho sự nghiệp khoa học và công nghệ đạt 5.460 tỉ đồng (34%), còn lại là chi cho đầu tư phát triển khoa học và công nghệ.  

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng đánh giá tốc độ đổi mới công nghệ và thiết bị chung của thành phố liên tục tăng trong thời gian qua. Tốc độ này giai đoạn 2016-2020 là 18,85% mỗi năm, cao hơn giai đoạn trước năm 2016 là 15% mỗi năm.

Một trong những trọng điểm của khoa học công nghệ TP.HCM trong những năm qua là triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và làm chủ công nghệ.

Các lĩnh vực trọng điểm được hỗ trợ bao gồm cơ khí chế tạo, công nghiệp ô tô, khuôn mẫu, công nghiệp nhựa, thiết bị y tế, quản lý năng lượng…Trong giai đoạn 2012-2021, năng suất lao động xã hội của thành phố cao hơn 2,7 lần so với cả nước.

TP.HCM đã chi gần 16.000 tỉ đồng cho khoa học công nghệ trong 10 năm - Ảnh 2.

Hội thảo sáng 30-9 tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Còn nhiều vướng mắc trong chính sách 

Về những hạn chế, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đánh giá cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. TP hiện đang thiếu sự liên kết phối hợp trong đào tạo, xây dựng môi trường sinh thái cho giảng dạy, nghiên cứu, đưa ý tưởng vào sản xuất - kinh doanh.

PGS.TS Dương Hoa Xô - Phó chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật TP.HCM - cho rằng hiện còn nhiều vướng mắc trong các chính sách đã kìm hãm tốc độ phát triển công nghệ tại TP.HCM.

Chẳng hạn, hiện chưa có những quy định rõ ràng về việc sử dụng các tài sản trí tuệ từ hoạt động nghiên cứu. Hiện gần như chưa có các tiêu chí thống nhất về định giá các tài sản trí tuệ khoa học công nghệ, nên số lượng các nghiên cứu được áp dụng từ thực tế còn hạn chế.

Thậm chí theo ông Xô, nhiều trường hợp những nhà khoa học buộc lòng phải để nghiên cứu trong ngăn kéo bởi quy trình chuyển giao ra ngoài cho doanh nghiệp phức tạp, nhiêu khê.

PGS.TS Lê Văn Thăng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng các chuyên gia quốc tế đã cảnh báo Việt Nam đang tiệm cận với bẫy thu nhập trung bình.

Để vượt bẫy giống như các nước Thái Lan hay Malaysia, Việt Nam cần phát triển và tự chủ được về mặt công nghệ, thay vì hiện thiên về nhập khẩu công nghệ không tạo ra được giá trị cao.

"Cần tập trung hơn nữa về nguồn lực khi phát triển khoa học công nghệ, không nên đầu tư dàn trải. Nên xác định đâu là những thế mạnh và những lĩnh vực cần chú trọng nhất, cân nhắc đi vào những mảng mà trên thế giới đã có quá nhiều 'ông lớn' đã đi trước mình quá xa", ông Thăng nói.

Hơn 21.000 người hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ

Ngoài ra, trong 10 năm qua, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố tăng nhanh về lực lượng. Hiện thành phố có 21.210 người hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, trong đó bao gồm 188 giáo sư, 1.116 phó giáo sư và 6.870 tiến sĩ.

Dù vậy, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nhìn nhận lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ ngày càng phát triển, tuy nhiên còn thiếu những chuyên gia đầu ngành nhất là trong các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, công nghê vi mạch, công nghệ nano, trí tuệ nhân tạo...

Cùng chuyên mục

Đọc thêm