Trong quý đầu năm 2024, tỷ lệ lợi nhuận trên tổng vốn chủ sở hữu (ROE) trượt 4 quý của các ngân hàng niêm yết vẫn tiếp tục xu hướng giảm đã ghi nhận cả năm ngoái. Theo thống kê từ dữ liệu của WiChart, tỷ lệ ROE chung của 27 ngân hàng niêm yết vào cuối quý I/2024 ở mức 16,7%, giảm thêm 0,3 điểm % so với cuối năm 2023. Nếu so với sánh với kết quả cuối năm 2022, ROE đã giảm tới 3,5 điểm %.
Tuy nhiên, trong quý đầu năm, một số ngân hàng niêm yết đã có sự cải thiện đáng kể về ROE. Cụ thể, trong danh sách, có 8 nhà băng ghi nhận ROE tăng lên trong quý I, cao nhất lên tới 2,3 điểm % (LPBank).
Đồng thời, bảng xếp hạng về ROE của các ngân hàng cũng có sự thay đổi rõ nét. HDBank vượt qua cả ACB lẫn VIB để trở thành ngân hàng có tỷ lệ ROE cao nhất, đạt 25,1%, tăng 0,9 điểm % so với ba tháng trước đó. VIB xếp vị trí thứ hai với ROE đạt 23,7%, giảm 0,6 điểm %.
Quán quân về ROE của năm 2023 là ACB đã tụt xuống vị trí thứ thứ ba khi với ROE ở mức 23%, giảm 1,8 điểm %. Trong quý I/2024, lợi nhuận sau thuế của ACB đã giảm 5,6% so với cùng kỳ 2023.
MB và LPBank giữ vị trí thứ 4 và 5 trong bảng xếp hạng với ROE lần lượt là 22% và 21,5%. LPBank đã vượt qua Vietcombank nhờ mức tăng ROE 2,3 điểm %, cao nhất trong ngành ngân hàng. Trong quý đầu năm, LPBank ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao thứ hai trong 27 ngân hàng niêm yết.
Những vị trí còn lại trong Top 10 lần lượt thuộc về Vietcombank, Nam A Bank, BIDV, Sacombank và VietinBank. Trong đó, Nam A Bank và Sacombank đã có sự cải thiện về thứ hạng.
Quý đầu năm, một số ngân hàng như OCB, ABBank đã ghi nhận ROE giảm sâu. Trường hợp của OCB là do ngân hàng này ghi nhận giảm lợi nhuận năm 2023 hơn 1.000 tỷ đồng sau kiểm toán, còn ABBank là do kết quả quý I/2024 tiếp tục khó khăn.