Tài chính

Tổng thống Pháp phủ nhận tin đồn từ chức

Hôm 9/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã giải tán Quốc hội, trong bối cảnh các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy đảng đối lập National Rally (RN) giành được số phiếu bầu vào Nghị viện châu Âu nhiều gấp đôi so với liên minh do đảng Phục hưng của ông lãnh đạo. Paris nhanh chóng xuất hiện những tin đồn rằng ông Macron có thể từ chức nếu RN thắng trong cuộc bỏ phiếu quốc gia.

“Tôi tham gia để giành chiến thắng” , Tổng thống Pháp nói với Tạp chí Le Figaro trong một cuộc phỏng vấn đăng hôm 11/6. Ông nói thêm rằng hiến pháp Pháp quy định rõ ràng về nhiệm vụ của tổng thống, “bất kể kết quả ra sao”.

Tổng thống Pháp phủ nhận tin đồn từ chức- Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin dường như là người đã làm dấy lên những tin đồn. Trong một cuộc phỏng vấn vào tối 10/6, ông cho biết ông Macron gọi cuộc bầu cử sớm là “một hành động theo chủ nghĩa Gaulle” . Tổng thống Pháp Charles de Gaulle đã từ chức vào năm 1969, sau khi thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về cải cách chính phủ.

Vào sáng 11/6, tờ Europe1 đưa tin rằng ông Macron đã “thảo luận về khả năng” từ chức trong vài tuần qua, ngay cả trước khi ông kêu gọi bầu cử sớm. Điện Elysee sau đó chính thức phủ nhận.

Cuộc phỏng vấn của ông Macron với tờ Le Figaro diễn ra một ngày sau khi tổng biên tập tờ này, Alexis Brezet, cho rằng “chủ nghĩa Macron đang sụp đổ” và chỉ trích tổng thống vận động tranh cử về cuộc xung đột Ukraine thay vì những vấn đề mà cử tri Pháp thực sự quan tâm.

Brezet nghi ngờ cơ hội duy trì đa số trong quốc hội của ông Macron, cho rằng thành công của RN không phải ngẫu nhiên mà là kết quả sự tức giận của công chúng trước tình trạng nhập cư không được kiểm soát.

Trong khi đó, một trong những chiến lược gia của ông Macron đã nói với Politico EU rằng “cách để giành lại đa số là thông qua nâng cao nhận thức”. Như vậy chiến dịch tranh cử của tổng thống có  tập trung vào mối nguy hiểm  “cực hữu”.

Tuy nhiên, ông Brezet tin rằng những nỗ lực của Tổng thống Macron sẽ có tác dụng ngược. Ông gọi quyết định kêu gọi bầu cử sớm là “một bước nhảy vào những điều chưa biết, với những hậu quả khôn lường”.

Người Pháp dự kiến sẽ đi bầu cử vào ngày 30/6, vòng thứ hai diễn ra vào ngày 7/7, chỉ vài tuần trước khi Thế vận hội Paris bắt đầu.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm