Nhận là một doanh nghiệp rất cẩn trọng trong công tác hoàn thành thủ tục pháp lý mới đưa dự án ra thị trường, nhưng có những khó khăn, vướng mắc nằm ngoài dự đoán, khả năng của doanh nghiệp.
Chia sẻ tại Hội thảo “Vực dậy bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế”, bà Nguyễn Thái Hà nhấn mạnh, doanh nghiệp đã có 14 năm tham gia phát triển các dự án án bất động sản tại Tp.HCM và các tỉnh lân cận. Dù không phải doanh nghiệp tiên phong về quy mô dự án nhưng tự tin khẳng định là doanh nghiệp tiên phong về câu chuyện hoàn thiện các thủ tục pháp lý trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.
“Vì có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng trong công tác về pháp lý dự án, cho nên hiện nay 100% của Thăng Long Real Group đều hoàn tất nghĩa vụ về tài chính. Khách hàng mua dự án của doanh nghiệp nhanh nhất 6 tháng, chậm nhất 24 tháng là nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở. Nói như vậy để thấy, với những quy định về pháp lý đất đai, nhà ở hiện nay không hoàn toàn vướng đến mức mà các doanh nghiệp không thể hoàn thiện được”, bà Hà chia sẻ.
Tuy nhiên, lãnh đạo Thăng Long Real Group cho rằng, gần đây, cái khó của thị trường nằm ở chỗ tâm lý những người thực thi pháp luật, những cán bộ đang tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.
Dẫn chứng về một dự án bất động sản cụ thể là Fiato Premier nằm trong khu đô thị tích hợp Thăng Long Home – Hưng Phú tại Tp.Thủ Đức. Bà Nguyễn Thái Hà cho biết, dự án đã hoàn thành thủ tục đất đai, tài chính cho nhà nước, đã có giấy phép xây dựng. Đang triển khai thì dự án hết hạn giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp xin gia hạn nhưng 3 năm nhưng đến nay chưa xong.
Hiện nay, dự án đã cất nóc. Doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Trong 2-3 năm qua, doanh nghiệp trả lãi vay trung hạn từ 14-15%/năm, thậm chí có những tháng là 16%/năm. Mức lãi suất này không thấp. Doanh nghiệp đang gánh lãi vay do dự án vướng pháp lý.
“Vậy mà 3 năm nay, doanh nghiệp nộp hồ sơ lên bị đẩy đi khắp nơi. Dù chỉ là gia hạn dự án đầu tư thôi nhưng trình hết cơ quan này đến cơ quan khác chưa được giải quyết. Rõ ràng, doanh nghiệp không vi phạm, thị trường cũng không phải không có cơ chế, chính sách pháp luật để quản lý mà là đang gặp vướng ở những con người thực thi pháp luật”, bà Hà nhấn mạnh.
“Tôi lấy dẫn chứng cụ thể về một dự án của doanh nghiệp để thấy, thủ tục pháp lý kéo dài gây hậu quả như thế nào đến doanh nghiệp, và chi phí đội vào dự án thì hỏi làm sao mà giá bất động sản có thể giảm được”, Tổng giám đốc Thăng Long Real Group chia sẻ thêm.
Theo đó, bà Hà mong muốn Chính phủ, chính quyền địa phương vào cuộc giúp cho những cán bộ thực thi pháp luật hiện nay chung tay giúp doanh nghiệp tháp gỡ khó khăn. Hiện nay, thị trường bất động sản không chỉ thay đổi Luật, tháo gỡ về mặt tài chính mà tâm lý của người thực thi rất quan trọng.
Cũng thông tin về tình hình kinh doanh bất động sản hiện nay, bà Hà cho biết, trong quý 1/2023, việc kinh doanh của doanh nghiệp hoàn toàn không có giao dịch, cung không gặp cầu. Doanh nghiệp gánh đủ chi phí với những khó khăn về thủ tục không thể bán giá thấp được. Còn người mua thì đi tìm sản phẩm giá rẻ. Đứng trước những khó khăn thách thức này, doanh nghiệp buộc phải điều tiết lại, hạ lợi nhuận đầu tư, đưa ra giá thành sản phẩm phù hợp với nhu cầu số đông.
Cũng nhờ chính sách hỗ trợ, tháo gỡ tài chính của Chính phủ và NNHN, theo bà Hà, giữa tháng 4/2023 đến nay khách hàng đã bắt đầu quay trở lại tìm hiểu về bất động sản, mặc dù tỉ lệ xuống tiền rất thấp. Tâm lý khách hàng vẫn chờ chính sách hỗ trợ lãi suất thiết thực.
“Dù hiện lãi suất đã giảm nhưng với người mua nhà đây vẫn là mức cao. Rất mong thời gian tới Chính phủ và NHNN điều tiết chính sách vay vốn về mức lãi suất từ 9-10%/năm, người mua sẽ tham gia thị trường nhiều hơn, doanh nghiệp cũng khơi thông được dòng tiền”, bà Nguyễn Thái Hà nhấn mạnh.