Mang 'đất vàng' góp vốn, nguy cơ thất thoát
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản, thoái vốn và tái cơ cấu tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.
Kết luận thanh tra chỉ rõ, trong việc đầu tư xây dựng, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam có sai phạm khi thực hiện góp vốn Dự án tại 152 Trần Phú (TP HCM). Trong đó, Tổng Công ty không thực hiện đánh giá lại tài sản; làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm pháp luật về chuyển nhượng tài sản doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ khi chuyển nhượng hơn 30.000m2 tại địa chỉ 152 Trần Phú mà không xin phép Thủ tướng; không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất có nguy cơ gây thất thoát tiền của Nhà nước, doanh nghiệp.
Dự án 152 Trần Phú là "đất vàng" nằm trong khu vực sầm uất bậc nhất TP HCM. Khu đất có vị trí có 3 mặt tiền đường: Trần Phú – Lê Hồng Phong – Trần Nhân Tông, Phường 2, Quận 5.
Trước đây, khu đất là Nhà máy thuốc lá Sài Gòn. Năm 2008, với việc di dời nhà máy ra huyện Bình Chánh, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam và Công ty Thuốc lá Sài Gòn quyết định góp vốn thực hiện dự án thương mại trên cùng các đối tác.
Theo Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, hợp đồng liên doanh quy định giá trị khu đất hơn 30.000m2 là hơn 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, ghi nhận của các nhà đầu tư dự án tới nay vẫn chỉ là bãi đất trống. Không những vậy, dự án còn được rao bán với mức giá rất cao, khoảng 4.520 tỷ đồng vào năm 2018 cho cả lô đất, tương đương 146 triệu đồng/m2.
Còn tại Dự án 235 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), Thanh tra Chính phủ xác định, có một số sai phạm như để Dự án kéo dài ảnh hướng đến tiến độ di dời nhà máy Thuốc lá Thăng Long và hiệu quả sử dụng vốn của Tổng Công ty Thuốc lá. Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện dự án đến nay đã hơn 10 năm, song nhiều cơ chế chính sách, pháp luật về đất đai, đầu tư, quản lý tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp đã có sự thay đổi mà thực tế dự án chưa được triển khai.
Đối với việc quản lý đất đai, Thanh tra Chính phủ kết luận, một số thành viên của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam chưa hoàn thiện các thủ tục đối với diện tích đất được Nhà nước cho thuê (như Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá, Công ty Thuốc lá Sài Gòn). Một số dự án khác cũng chậm tiến độ, phải phê duyệt nhiều lần làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh (Dự án đầu tư chiều sâu phân xưởng sợi, Dự án đầu tư thiết bị kho nguyên liệu và kho thành phần của Công ty Thuốc lá Sài Gòn, Dự án xây trụ sở Vinatava tại 30 Nguyễn Du, Hà Nội).
Trong việc quản lý sử dụng vốn, tài sản, một số công ty thành viên chưa ban hành quy chế quản lý tài sản; chưa xây dựng định mức dự trữ hàng tồn kho; lượng hàng tồn kho lớn gây ứ đọng vốn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh; chưa ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong các hoạt động bảo đảm tính liên tục cho sản xuất, kinh doanh thường xuyên của doanh nghiệp; một số chi phí không phù hợp với hoạt động kinh doanh, thuế TNDN phải nộp bổ sung hơn 38,5 tỷ đồng.
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra Công ty Thuốc lá Thăng Long giữ lại hơn 73 tỷ đồng vốn bổ sung cho dự án đầu tư của hai công ty thành viên (Thanh Hóa, Bắc Sơn) là chưa phù hợp với Quyết định 171/QĐ-TLVN của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.
Kiến nghị điều tra dấu hiệu trốn thuế
Về việc nhập khẩu lá thuốc nguyên liệu, trồng, chế biến, sản xuất, phân phối thuốc lá điếu, kết luận thanh tra cho rằng, còn một số tồn tại cần được khắc phục sớm để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Cụ thể, việc mua nguyên liệu của người trồng theo hình thức mua xô, bán lại nguyên liệu thuốc lá khi không có giấy phép mua bán, không tổ chức chào hàng cạnh tranh để quyết định giá mua nguyên liệu và hàng tồn kho ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh (tại Công ty CP Ngân Sơn, Công ty TNHH MTV Viện thuốc lá, Công ty CP Hòa Việt, Công ty Thuốc lá Sài Gòn, Công ty Thuốc lá Hải Phòng).
Cạnh đó, nguồn gốc một số nguyên liệu thuốc lá của DNTN Tuấn Dung bán cho các công ty thành viên (như Công ty CP Hòa Việt, Công ty Thuốc lá Bến Tre, Công ty Thuốc lá An Giang, Công ty Thuốc lá Đồng Tháp, Công ty Thuốc lá Cửu Long) có dấu hiệu hợp thức hóa nguyên liệu không hợp pháp.
Theo Thanh tra Chính phủ, để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Ban lãnh đạo Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, lãnh đạo các công ty thành viên…
Do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương chỉ đạo Tổng cục Thuế kiểm tra việc kê khai nộp thuế đối với trường hợp thu mua nguyên liệu thuốc lá; xác định lại thuế TNDN đối với doanh nghiệp Tuấn Dung do bảng kê khai mua nguyên liệu không phù hợp; rà soát các hoạt động mua bán nguyên liệu thuốc; xử lý kịp thời trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì cùng Bộ Tài chính, UBND TP HCM, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam và các bộ, ngành liên quan thu hồi cơ sở nhà đất diện tích hơn 30 nghìn m2 tại 152 Trần Phú, TP HCM, nếu phát hiện sai phạm thì chuyển cơ quan điều tra; yêu cầu Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam báo cáo quá trình thực hiện Dự án tại 235 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) để xin chỉ đạo của Thủ tướng trước khi tiếp tục thực hiện; xem xét trách nhiệm, có hình thức kỷ luật theo quy định với các tổ chức cá nhân để xảy ra vi phạm.
Riêng tại Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, Thanh tra Chính phủ còn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo doanh nghiệp này rà soát toàn bộ vốn điều lệ đã điều chỉnh cho Công ty Thuốc lá Thăng Long, trong đó, có khoản tiền hơn 73 tỷ đồng; chấn chỉnh lại hoạt động mua bán nguyên liệu thuốc…
Về xử lý kinh tế, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam phải chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện nộp thuế TNDN tính thiếu do một số khoản chi không được giảm trừ, với số tiền hơn 38,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xác minh, làm rõ những vụ việc mua bán nguyên liệu của Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Dung có dấu hiệu của tội "Trốn thuế", theo Điều 200 BLHS.