Có những lúc bạn thường xuyên phải mất thời gian để tìm đồ vật xung quanh mình, không phải nó đã mất đi mà mà đơn giản có quá nhiều thứ che lấp nó. Vậy muốn tìm kiếm những đồ vật đó một cách dễ dàng, điều cần thiết và cốt yếu là gì?
Là “nói tạm biệt” với những thứ vô nghĩa. Cuộc sống tối giản là phải không ngừng nhìn nhận lại bản thân và không gian sống của mình để dọn dẹp từ trong ra ngoài, bỏ đi thứ không sử dụng, giữ lại những đồ có giá trị. Hãy thử bắt đầu từ việc nhỏ nhất và kết quả sẽ khiến bạn bất ngờ.
Thứ nhất, nói "tạm biệt" với những món đồ không cần thiết
1. Quần áo và giày dép
Tôi không có thói quen tiêu nhiều tiền vào quần áo, một năm chỉ mua vài lần. Hình ảnh của tôi trong những năm đại học khá nhàm chán, không phải tôi không có phong cách mà vấn đề là lười đầu tư thời gian. Thay vì mua quần áo, tôi đầu tư nhiều hơn vào sách.
Gần đây tôi phát hiện mình hiếm khi đi giày, nhưng cũng không vứt đi những đôi giày cũ khiến giá để giày chất đống lên. Đã đến thời điểm bạn nên bỏ đi những đôi giày không cần thiết, hoặc mang chúng cho những người khác.
2. Những vật dụng thường ngày
Chắc hẳn bạn không còn xa lạ với những chương trình giảm giá tại trung tâm thương mại. Người mua hàng thường ham rẻ, mua nhiều, nhưng dần dần người ta lại thấy rằng các trung tâm này chỉ đang đánh vào lòng tham của con người, từ đó thúc đẩy nhu cầu mua sắm. Hơn nữa, khi tích trữ quá nhiều hàng hóa, lãng phí là một chuyện nhưng bạn sẽ ít có cơ hội để thử sản phẩm tốt hơn. Do đó, đối với những vật dụng cần thiết hàng ngày, hãy giữ lại những món thật sự cần, nhưng cũng dành cho những sản phẩm mới cơ hội được sử dụng.
3. Bàn
Bạn không cần bỏ đi cả cái bàn, thứ bạn cần vứt đi chính là những vật dụng trên cái bàn kia. Dù có bận rộn đến đâu, hãy cố gắng dành nhiều khoảng trống nhất trên chiếc bàn của bạn. Sử dụng thứ gì xong thì trả đúng vị trí của nó. Một chiếc bàn gọn gàng sẽ đem lại cảm hứng tích cực khi làm việc, đặc biệt là trong quá trình sáng tạo.
4. Sách
Đây là phần gian nan nhất. Tôi thường tích trữ sách, giống như các bạn nữ yêu quần áo thì tôi cũng yêu sách. Đôi khi, chỉ đơn giản là tôi thích mua nhưng cuối cùng lại không đọc. Sau đó tôi nhận ra đó là lãng phí. Vì vậy, bạn đừng bị ảnh hưởng bởi những lời quảng cáo quá đà trên mạng mà mua quyển sách đó.
Thứ hai, nói “tạm biệt” với các mối quan hệ
Những mối quan hệ trong cuộc sống như: Tình bạn, tình yêu, tình thân,... Sau những thăng trầm của cuộc sống, tôi nhận ra rằng, mình nên "thanh lọc" lại thế giới của mình, bao gồm tất cả mối quan hệ xung quanh.
Tất nhiên, mỗi mối quan hệ đều có những cách khác nhau để duy trì, người đã hết duyên với nhau thì không nên níu kéo. Đừng buồn vì những chuyện như thế, chỉ cần cảm thấy bạn hết mình với bản thân và mối quan hệ đó, vậy là đủ!
1. Nói lời tạm biệt với những người bạn cũ
Có những người bạn trước kia từng rất thân nhưng khi lối sống, quan điểm và thời gian qua đi cũng sẽ dần xa cách. Thực tế, bất cứ mối quan hệ nào cũng có những thay đổi, chúng ta phải chấp nhận điều đó. Kỷ niệm đẹp trong quá khứ là những thứ khiến người ta hay hồi tưởng. Nhưng đừng bám víu vào đó mà không dứt ra, từ đó bỏ lỡ đi những điều mới.
2. Buông bỏ những mối quan hệ thân mật đã qua
Khi kết thúc một mối quan hệ yêu đương, thứ để lại sẽ là sự cô đơn và lạ lẫm. Nhưng mọi thứ đều cần sự khởi đầu mới.
Bạn không cần thiết phải vội vàng làm mới bản thân khi vừa kết thúc mối quan hệ. Dần dần, khóc hay cười đều có thể, thời gian có thể giúp bạn chữa lành. Nhưng nên nhớ, con đường này chỉ có thể tự mình bước đi, người khác chỉ có thể đồng hành một đoạn để hỗ trợ mà thôi.
Thứ ba, nói "tạm biệt" với những tư duy sai lầm của hiện tại, hướng đến tương lai để làm mới chính mình
1. Bạn có thể tạo ra những giá trị gì cho bản thân?
Hãy hỏi thử bản thân, giá trị thực sự là gì?
Hãy suy nghĩ trước khi hành động, cuộc sống sẽ trở nên có giá trị. Nâng cao sức khỏe cho bản thân, trau dồi những kiến thức mới, đăng ký các khóa học hữu ích,.. bạn đều có thể thử. Chỉ cần không làm điều gì “vô giá trị” – ăn khuya, nghiện game, nghiện điện thoại,... thì cuộc sống của bạn đều có giá trị riêng.
Bên cạnh đó, hãy tìm hiểu bản thân, tìm cho mình một con đường phù hợp để chứng minh giá trị của chính mình. Bạn đừng nhìn người khác để làm theo, chỉ cần bạn cảm thấy nó đúng, bạn đủ kiên trì thì đó sẽ là thành công của bạn.
2. Bạn có thể tạo ra những giá trị gì cho người khác?
Nói một cách đơn giản hơn, công việc mà bạn đang làm đem lại lợi ích gì cho người khác hay không. Nếu bạn vẫn suy nghĩ rằng: Đến công ty hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao, và bạn nghĩ đó là chứng minh giá trị của bản thân cho người khác thì xin thưa: Không, nó không đúng hoàn toàn, đó chỉ là bạn đang làm những công việc phải làm theo ý của người khác, bạn không sáng tạo. Người tạo ra giá trị cho người khác ở đây chính là sếp của bạn.
Nhiều người vẫn nghĩ mình nên tạo mối quan hệ tốt với cấp trên, nhưng thuyền nào cũng có lúc sóng gió. Không cần phải tìm kiếm một ai khác để làm chỗ dựa, mọi nỗ lực đến từ chính bản thân là ngôi nhà kiên cố vững chắc nhất. Điều cần thiết là tích lũy cho chính mình những kỹ năng, kiến thức mới mẻ, lúc đó sẽ là lúc bạn tạo được giá trị cho người xung quanh.
Buông bỏ tuy không quá khó nhưng thực sự cần là thời gian. Thông thường, bạn chỉ đơn giản là dọn dẹp đồ vật là đủ, nhưng hãy sâu xa hơn, suy nghĩ, thói quen, hành động đều cần sửa đổi, “dọn dẹp” để hướng đến cuộc sống tốt hơn.
(Nguồn: Zhihu )