Trong báo cáo thị trường tiền tệ vừa công bố, Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định tốc độ giảm của lãi suất cho vay đã nhanh hơn trong tháng 7, tuy nhiên vẫn xuất hiện sự phân hóa khá rõ rệt.
Cụ thể, với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có chất lượng tín dụng tốt, lãi suất cho vay đã giảm về khoảng 8-10% trong khi đó các doanh nghiệp có chất lượng tín dụng kém hơn vẫn phải đi vay với mức lãi suất từ 12-15%.
Theo số liệu thống kê từ SSI, trên thị trường 1, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục được điều chỉnh giảm khoảng 20-50 điểm cơ bản ở các ngân hàng thương mại cổ phần ở các kỳ hạn.
Mức lãi suất niêm yết dành cho khách hàng doanh nghiệp đã về khoảng 6,2% - 6,8% cho kỳ hạn 12 tháng, giảm khoảng 150 điểm cơ bản so với cuối năm 2022. Còn với khách hàng cá nhân, lãi suất kỳ hạn 12 tháng dao động từ 6,3% cho nhóm ngân hàng nhà nước; đến 6,4% - 7,0% cho nhóm ngân hàng cổ phần lớn và vào khoảng 7,2% - 7,6% cho nhóm còn lại.
"Nhìn chung, NHNN tiếp tục duy trì định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và do vậy việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động là điều kiện cần thiết để kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay.", báo cáo viết.
Trên thị trường liên ngân hàng, thanh khoản ở mức ổn định trong khihoạt động trên kênh thị trường mở trầm lắng. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm dao động trong biên độ hẹp (0,2%) và thấp hơn so với lãi suất USD duy trì ở mức 500 điểm cơ bản (5 điểm %).
Thanh khoản trung bình ngày trên thị trường đạt 186.000 tỷ đồng, cao gần gấp 2 so với giai đoạn 2020-2021 và cho thấy các NHTM vẫn khá tích cực sử dụng kênh liên ngân hàng nhằm tài trợ cho nguồn vốn ngắn hạn.