Giống như rất nhiều doanh nghiệp khác, KIDO đã gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2021. Mặc dù họ vẫn tăng trưởng so với năm 2020, song không hoàn thành được kế hoạch kinh doanh đã đề ra, còn lợi nhuận ngày càng mỏng bởi giá nguyên liệu cũng như chi phí hoạt động kinh doanh tăng cao.
Năm 2021, Tập đoàn KIDO đạt doanh thu thuần 10.497 tỷ đồng, hoàn thành 91,3% kế hoạch năm và tăng 26,1% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh của KIDO theo đó đạt 688 tỷ đồng, hoàn thành 86% kế hoạch năm, ghi nhận mức tăng tưởng 65,3% so với năm 2020. Bên cạnh đó, tổng tài sản của KIDO ghi nhận ở mức 14.073 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu 6.895 tỷ đồng.
Trong năm 2022, theo nhận định của nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp sản xuất vẫn chưa thể thở phào bởi 2 lẽ sau: những biến chủng virus Corona mới phát triển ngày càng khó lường cộng với chiến tranh Nga – Ukraine khiến giá nguyên liệu đầu vàng ngày càng tăng cao bất thường. Chưa hết, chính sách giao thương và vận chuyển hàng hóa từ đó cũng gặp nhiều khó khăn.
Tập đoàn KIDO tiếp tục đặt mục tiêu kinh doanh cao trong năm 2022
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Xuân Liễu – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO, không phải thị trường chỉ toàn khó khăn.
"Dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 sẽ cao hơn 2021, theo cuộc họp Quốc Hội vào tháng 11/2021, dự báo GPP năm 2022 sẽ vào khoảng 6,5% - 6,6%. Dự báo chỉ số CPI năm 2022 sẽ được kiểm soát dưới 4% nhờ vào sự kiểm soát giá năng lượng và tỷ giá của Chính phú. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trường – được sự báo hơn 14%, nhờ sự gia tăng ấn tượng của dòng vốn đầu tư từ nước ngoài trong thời gian gần đây.
Các sản phẩm thiết yếu trong ngành FMCG tiếp tục được người tiêu dùng tiêu thụ mạnh ở cả khu vực thành thị lẫn nông thôn. Kênh mua sắm hiện đại và kênh TMĐT được kết hợp linh hoạt với kênh truyền thống khi Covid-19 chuyên từ một đại dịch sang một loại bệnh đặc hữu ít gây tử vong", bà Xuân Liễu nhận định trong ĐHCĐ Tập đoàn KIDO vào ngày 23/3.
Và Nguyễn Thị Xuân Liễu – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO
Từ tình hình thực tế và triển vọng từ xu hướng phát triển tại thị trường Việt Nam, kết hợp cùng lợi thế vững chắc từ nền tảng sản xuất và hệ thống kênh phân phối, Tập đoàn KIDO đã đưa ra kế hoạch kinh doanh cho năm 2022. Theo đó, KIDO đặt kế hoạch doanh thu thuần 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 33% và 31% so với năm 2021.
Trong đó, ngành dầu ăn sẽ tiếp tục mang lại doanh thu chủ yếu cho tập đoàn (năm 2021 chiếm 85% cơ cấu doanh thu chung); ngoài ra, KIDO cũng sẽ tiếp tục cao cấp hóa các dòng sản phẩm dầu ăn của mình, ra sản phẩm mới là mayonnaise để đa dạng hóa sản phẩm.
"Hiện tại, Chuk Chuk đang có khoảng 50 cửa hàng tại TP.HCM. Mục tiêu là sẽ có khoảng 200 đến 300 cửa hàng vào cuối năm 2022. Vào tháng 5 này, Chuk Chuk sẽ chính thức tiến quân ra Bắc, có mặt ở Hà Nội – Hải Phòng – Bắc Ninh…
Ngoài ra, Chuk Chuk cũng tập trung nghiên cứu và cho ra mắt những sản phẩm mới, phù hợp xu hướng thưởng thức hiện đại; hoàn chỉnh hệ thống, bộ máy vận hành chuyên nghiệp; tập trung phát triển đồng đều cả 03 mô hình là cửa hàng Outlet; kiosk và xe đẩy…
Song song đó, Tập đoàn KIDO đã ký kết hợp tác chiến lược thành công cùng Sơn Kim Group để đưa Chuk Chuk có mặt tại chuỗi GS25 trên toàn quốc và xa hơn là thị trường Hàn Quốc. KIDO cũng đã ký kết hợp tác cùng Centrail Retail Group để đưa Chuk Chuk có mặt tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại GO!, Big C and Tops Market, đồng thời phát triển sang thị trường Thái Lan và các nước khác trong khu vực trong tương lai gần", ông Trần Lệ Nguyên – Tổng Giám đốc KIDO cho hay.
Tăng vốn lấy nguồn lực đẩy mạnh ngành bánh – snacking
Một trong những quyết định quan trọng khác trong ĐHCĐ năm nay là việc tăng vốn chủ sở hữu. KIDO muốn các cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 10% cùng phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP.
Hiện tại, vốn điều lệ trước phát hành khoảng 2.797,5 tỷ đồng; số vốn điều lệ dự kiến tăng gần 352,3 tỷ đồng. Trong đó, số vốn điều lệ dự kiến tăng để phát hành cổ phiếu (10%) tầm 252,6 tỷ đồng, số vốn điều lệ dự kiến tăng để phát hành ESOP (4%) tầm 100,7 tỷ đồng. Vốn điều lệ của Tập đoàn sau khi phát hành: gần 3.149, 7 tỷ đồng.
Về phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vố chủ sở hữu tỷ lệ 10%: đối tượng phát hành cổ phiếu – cổ đông hiện hữu có tên trong danh sách tại ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông. Thời điểm chốt danh sách được ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT. Số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành tối đa: 25.162.401 cổ phiếu.
Tỷ lệ thực hiện quyền, phương án xử lý cổ phiếu lẻ phát sinh (nếu có): 10:01, tức cứ một cổ đông sơ hữu 01 cổ phiếu được nhận 01 quyền nhận thêm cổ phiếu. Cứ 10 quyền nhận thêm cổ phiếu sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới. Số cổ phiếu phát hành thêm sẽ được làm tròn xuống đến hàng đơn vị, phẩn lẻ thập phân (nếu có) sẽ được hủy bỏ.
Nguồn vốn phát hành: Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại Báo cáo tài chính hợp nhất 2021 đã được kiểm toán.
Về phương án phát hành cổ phiếu ESOP: số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành tối đa – 10.064.960 cổ phiếu, giá phát hành – 15.000 đồng/cp, đối tượng phát hành – thành viên HĐQT, người quản lý, các cán bộ công nhân viên toàn Tập đoàn theo danh sách được HĐQT phê duyệt.
Để không quá phụ thuộc vào ngành dầu ăn, KIDO đang cố gắng tấn công sang các mảng khác để cân bằng nguồn thu – đặc biệt là ngành bánh và snacking, nơi mà họ từng ‘làm mưa làm gió’. Nếu nguồn vốn mới nói trên cũng sẽ được đổ vào ngành hàng mới mà cũ này.
"Năm 2022, doanh thu từ mảng snacking của KIDO mới chỉ có 70 tỷ đồng. Trong năm 2022, chúng tôi sẽ đẩy mạnh mảng miếng này, tập trung khai thác mảng tiêu dùng nhanh với bánh tươi – snacking. Mảng bánh của KIDO sẽ có bánh tươi, bánh tây và quá tặng. Chúng tôi muốn người dân – đặc biệt là các bạn trẻ có thể thấy bánh tươi KIDO trên khắp nơi, ví dụ như trên đường đi làm – đi học như trước đây", bà Xuân Liễu chia sẻ tiếp.
Cụ thể hơn: Đầu tiên, KIDO sẽ liên tục nghiên cứu và cho ra mắt các sản phẩm mang tính đột phá và khác biệt, hướng tới nhóm khách hàng cao cấp. Thứ hai, họ sẽ đầu tư máy móc, trang thiết bị nhà máy, chủ động nguồn nguyên liệu để sản xuất lượng hàng lớn cung ứng đủ cho thị trường.
Thứ ba, KIDO sẽ tiếp tục mở rộng mạnh mẽ sang các ngành hàng mới như: ngành hàng ăn vặt, ngành hàng Trung thu, ngành hàng Bánh tươi, quà biếu lễ hội… Cuối cùng, Tập đoàn này cũng đang lên kế hoạch nghiên cứu và cho ra mắt sản phẩm cà phê rang xay đóng túi - cà phê đóng chai, phục vụ nhu cầu thưởng thức đa dạng của người tiêu dùng.