Sáng 25.4, TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên y án sơ thẩm vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu "ống nhựa Bình Minh" giữa nguyên đơn Công ty CP nhựa Bình Minh và bị đơn là Công ty CP nhựa Bình Minh Việt.

Luật sư nguyên đơn tranh luận tại tòa phúc thẩm
ẢNH: MAI TUYẾT
HĐXX phúc thẩm phân tích, Công ty CP nhựa Bình Minh đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 2.1.2004, Công ty CP nhựa Bình Minh Việt đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 23.1.2022. Cả 2 công ty đều sản xuất và kinh doanh các sản phẩm ống nhựa PVC.
Công ty CP nhựa Bình Minh là chủ sở hữu đối với nhãn hiệu BM, Binh Minh. Công ty CP nhựa Bình Minh Việt được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho logo BVM, nhựa Bình Minh Việt, dưới hình thức tác phẩm mỹ thuật ứng dụng ngày 28.1.2022. Đại diện Công ty CP Bình Minh Việt nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu BVM, nhựa Bình Minh Việt và được Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định số 53459 ngày 12.7.2023 về việc chấp nhận đơn hợp lệ.
Bình Minh Việt có logo là BVM, PLASTIC, ỐNG NHỰA CỦA NGƯỜI VIỆT đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu hợp lệ theo quyết định ngày 12.7.2023. Bình Minh có logo BM, PLASCO, NHỰA BÌNH MINH.
Về nhãn hiệu in trên ống nhựa của Bình Minh Việt, logo BVM, ỐNG NHỰA PVC-U tiêu chuẩn, SAN PHAM CUA CTY CP NHUA BINH MINH VIET, tại 176/14B Nguyễn Thị Thập, P.Bình Thuận, Q.7, TP.HCM. Và nhãn hàng in trên ống nhựa của Bình Minh logo BM, Nhựa Bình Minh, sản xuất tại C1, 6, C1 80 Dương Vĩnh Lập 2, Khu công nghiệp Vĩnh Lập 2.
Theo tòa, đối chiếu logo và nhãn hàng in trên ống nhựa của nguyên đơn và bị đơn, hoàn toàn khác nhau, không trùng lắp nhau.
“Vì theo logo in trên ống nhựa của hai bên, đều có dấu hiệu BÌNH MINH, nhưng logo, nhãn hàng, kích thước, kiểu chữ, nguồn gốc hàng hóa hoàn toàn khác nhau, không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng”, bản án phúc thẩm nhận định.
Với các kết luận giám định trong hồ sơ vụ án, theo tòa phúc thẩm, chưa đủ cơ sở để làm chứng cứ giải quyết vụ án.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2023, Công ty CP nhựa Bình Minh phát hiện Công ty CP nhựa Bình Minh Việt sử dụng tên doanh nghiệp và các sản phẩm ống nhựa PVC gắn dấu hiệu "BÌNH MINH VIỆT", "NHỰA BÌNH MINH VIỆT" gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của Công ty CP nhựa Bình Minh, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của công ty đã đăng ký, nên gửi đơn đề nghị các cơ quan chức năng xử lý và khởi kiện ra tòa, buộc bị đơn chấm dứt các hành vi xâm phạm.
Xét xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã không chấp nhận yêu cầu của Công ty CP nhựa Bình Minh vì cho rằng nguyên đơn được bảo hộ hợp pháp đối với nhãn hiệu "Bình Minh", không được bảo hộ cụm từ "nhựa Bình Minh Việt", nên nguyên đơn yêu cầu bị đơn loại bỏ toàn bộ các dấu hiệu "Bình Minh" là không có căn cứ.
Đối với kết luận giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ, khẳng định sản phẩm ống nhựa PVC do Công ty CP nhựa Bình Minh Việt sản xuất là yếu tố xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu của Công ty CP nhựa Bình Minh đang được bảo hộ; hay quyết định xử phạt hành chính của Đội quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An) đối với cửa hàng về hành vi buôn bán hàng hóa nhựa Bình Minh Việt xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của Công ty CP nhựa Bình Minh, theo tòa sơ thẩm chỉ mang giá trị tham khảo, không phải là chứng cứ để giải quyết vụ án.