VN-Index ghi nhận sự phục hồi trong tuần 11 – 15/7 với sự phân hóa, tăng giảm đan xen giữa các nhóm ngành. Giữa những thông tin về lạm phát do Mỹ công bố, thị trường vẫn diễn biến phục hồi, tích lũy cho thấy tâm lý dòng tiền khối nội vẫn ổn định không chịu tác động lớn.
Về diễn biễn cụ thể, VN-Index giảm sâu nhất vào phiên đầu tuần ngày 11/7 xuống vùng 1.140 điểm và sau đó có sự phục hồi tốt khi dòng tiền bắt đáy trở lại giúp cho chỉ số chung quay lại 1.180.
Trong tuần, sự phân hóa được ghi nhận rõ ràng giữa các nhóm ngành với việc tăng giảm đan xen. Trong đó, nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, hóa chất, tài nguyên cơ bản là điểm sáng với mức phục hồi xấp xỉ 7%.
Ở chiều ngược lại, nhóm ngành bán lẻ là nhóm ngành chịu áp lực điều chỉnh lớn nhất tương đương với 3,2%. Sự rung lắc diễn ra mạnh ở phiên cuối tuần cho thấy tâm lý thận trọng của dòng tiền khi nhiều cổ phiếu chịu áp lực chốt lời trong ngắn hạn.
Trong tuần biến động của thị trường, tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh) bán ròng cả 5 phiên với tổng giá trị rút ròng đạt 867 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 437 tỷ đồng.
Tổ chức trong nước chủ yếu rút ròng nhóm ngân hàng và bất động sản
Theo thống kê từ Fiintrade, hoạt động rút vốn của tổ chức trong nước chiếm ưu thế với 12/18 ngành bị bán ròng.
Trong đó, ngành ngân hàng trở thành nhóm bị xả ròng nhiều nhất với giá trị lên tới 296 tỷ đồng, dù tuần trước đó cổ phiếu nhà băng được gom mạnh nhất với gần 295 tỷ đồng.
Có phần trái ngược, đây lại là tâm điểm thu hút phần lớn lực cầu cá nhân trong nước khi được mua gom 564 tỷ đồng. Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa với 13/27 mã tăng giá, 11 mã giảm và 3 mã đứng tham chiếu.
Cùng chiều, tổ chức trong nước mạnh tay chốt lời hơn 149 tỷ đồng cổ phiếu bất động sản khi nhóm này có tuần sôi động hơn với tỉ trọng giá trị giao dịch đã được cải thiện lên 20,54% toàn thị trường, mức cao nhất trong 8 tuần liên tiếp và là nhóm có tỷ trọng giá trị giao dịch tăng mạnh nhất tuần, và đứng đầu các ngành.
Theo thống kê của FiinTrade, nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp trở thành tâm điểm tuần qua, khi đa số các cổ phiếu tăng điểm. Top tăng mạnh trong tuần gồm PXA, SZC, KBC, LHG, IDC, BCM, TIP, PXL, SZB, tất cả đều tăng trên 6% trong tuần.
Tuy nhiên, nhóm tăng mạnh nhất thuộc về dòng bất động sản dân cư vừa và nhỏ là PVL, VPH, CRE, CKG, TLD, HDC, tất cả đều tăng trên 13%. Trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn gồm VIC, VHM, NVL, BCM, VRE, PDR duy nhất có BCM tăng điểm. Đây là nguyên nhân giữ cho chỉ số nhóm bất động sản không tăng mạnh.
Theo quan sát, xu hướng giao dịch của các tổ chức nội cũng đảo chiều ở nhóm bất động sản khi bán ròng 36 tỷ đồng sau khi mua gom gần 68 tỷ đồng trong tuần trước đó.
Chưa dừng lại, lực xả của các tổ chức nội còn tìm đến nhóm thực phẩm & đồ uống (20 tỷ đồng), bán lẻ (17 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (13 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (11 tỷ đồng),….
Chiều ngược lại, quy mô mua ròng ở các nhóm ngành chững lại khi không nhóm nào được rót ròng trên 40 tỷ đồng. Cổ phiếu dịch vụ tài chính trở lại hút tiền với giá trị hơn 39 tỷ đồng và là nhóm thu hút phần lớn lực cầu trong tuần.
Một số nhóm cũng ghi nhận giao dịch vào ròng trong tuần qua còn có công nghệ thông tin (23 tỷ đồng), ô tô & phụ tùng (22 tỷ đồng ), hàng cá nhân & gia dụng (13 tỷ đồng), dầu khí (13 tỷ đồng), hóa chất (12,6 tỷ đồng).
Cổ phiếu vua trở thành tâm điểm mua bán trong tuần
Thống kê theo từng mã, Top5 bán ròng của tổ chức trong nước tập trung ở 3 đại diện ngành ngân hàng. Dẫn đầu danh mục bán ròng là cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội với 216,6 tỷ đồng.
Tuần qua, SHB là cổ phiếu tăng mạnh nhất toàn ngành với mức tăng 7,7%. Riêng phiên 13/7, cổ phiếu này tăng kịch trần với thanh khoản đột biến, đạt hơn 36 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái và gấp nhiều lần mức trung bình vài tháng trở lại. Kết tuần, cổ phiếu SHB dừng ở mức 14.650 đồng/cp, thấp hơn 35% so với thời điểm đầu năm.
Cùng chiều, hai cổ phiếu ngân hàng khác là TCB và MBB bị rút ròng lần lượt 88,6 tỷ đồng và 58,3 tỷ đồng. Hai mã còn lại trong Top5 bán ròng là D2D (55,6 tỷ đồng) và HAH (51,8 tỷ đồng).
Với diễn biến phân hóa của cổ phiếu vua, mặc dù bán ròng các mã SHB, TCB và MBB, khối ngoại vẫn chi tiền gom các cổ phiếu ngân hàng khác như ACB (34,2 tỷ đồng), VPB (29,8 tỷ đồng) và SSB (26,6 tỷ đồng).
Mới đây, Chứng khoán SSI vừa có báo cáo nhận định ACB đã sử dụng phần lớn hạn mức tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6/2022 (tăng 10% so với đầu năm, đồng thời tăng 16% so với cùng kỳ), điều này cho phép ngân hàng đạt được mức tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động ở mức tương đối tốt.
Trong khi đó, áp lực trích lập dự phòng sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp đối với ACB do tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt, chỉ ở mức 0,7-0,8%. Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý II của ACB dự kiến đạt 5.000 tỷ đồng (tăng 54% so với cùng kỳ).
Ngoài nhóm ngân hàng, nhà đầu tư nước ngoài cũng gom ròng cổ phiếu ngành bất động sản, chứng khoán như DXG (26,5 tỷ đồng) và SSI (25,9 tỷ đồng).