Theo quy luật thì tín dụng tăng chậm trong 1 - 2 tháng đầu năm. Điều này là bình thường do vào các tháng 11 và 12 cuối năm, nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp và người dân tăng cao, dẫn đến tín dụng tăng mạnh. Sang tháng 1 của năm sau, nhu cầu tín dụng giảm vì hầu hết những người cần vay đã thực hiện giao dịch.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan đó, cũng còn có nguyên nhân chủ quan. Đó là các ngân hàng thường cố gắng đẩy tăng trưởng tín dụng đến hết room được cấp. Vì tăng tín dụng liên quan trực tiếp đến thị phần và tăng trưởng lợi nhuận cho năm sau nên các ngân hàng phải tận dụng tối đa room cho phép của năm trước. Đây là việc kinh doanh của ngân hàng và cũng tương đối dễ hiểu.
Bàn giải pháp tăng sức cầu tín dụng qua sức cầu của nền kinh tế? Chúng ta cần đánh giá dựa trên sức cầu của nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, chi tiêu công và tiêu dùng.
Việt Nam có độ mở kinh tế rất lớn với xuất khẩu hàng hóa dịch vụ hiện đã tương đương với giá trị GDP. Việc thúc đẩy xuất khẩu sẽ không chỉ tác động rõ rệt đến tăng trưởng kinh tế mà còn giúp mang lại ngoại tệ, giảm nhập siêu và ổn định đồng nội tệ.
Vì vậy để thúc đẩy sức cầu, chúng ta phải đặc biệt lưu ý đến sức cầu xuất khẩu. Về chi tiêu Chính phủ, trong nhiều năm qua, chi NSNN liên tục không đạt kế hoạch, tức là chúng ta có tiền để chi mà không chi được.
Đây là một nghịch lý trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm và nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng là rất lớn. Do hạ tầng có sức lan tỏa cao nên việc giải ngân đầu tư công đúng hay tốt hơn là vượt tiến độ sẽ vừa trực tiếp vừa gián tiếp thúc đẩy sức cầu ở các địa phương, từ đó gia tăng sức cầu chung của cả nền kinh tế.
Riêng về cầu tiêu dùng, đây là vấn đề có tính hai mặt. Đúng là có thể tạo ra tăng trưởng kinh tế từ thúc đẩy cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người dân.
Chúng ta vẫn phải nhập khẩu hầu hết tư liệu sản xuất và rất nhiều hàng hóa tiêu dùng. Do đó, nếu kích cầu tiêu dùng không khéo sẽ thành kích cầu tiêu dùng cho hàng nhập khẩu.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh đến việc cân bằng chính sách vĩ mô giữa kích cầu và kích cung, chúng ta cần phải chú ý cả kích cung. Thúc đầy nguồn cung hàng hóa bằng việc hỗ trợ doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm, từ đó sản xuất và xuất khẩu được nhiều hơn, hoặc cạnh tranh được trên chính thị trường trong nước.
Tôi ủng hộ việc giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng, tuy nhiên việc giảm lãi suất phải thực chất, tức là giảm lãi suất cho vay, và giảm sớm nhất có thể.
Riêng thúc tăng trưởng tín dụng thì cần phải cân nhắc kỹ. Cần lưu ý bài học giai đoạn 2007 - 2008, khi tín dụng bơm mạnh ra nhưng các doanh nghiệp không đủ sức hấp thụ, từ đó tạo ra siêu lạm phát. Trong những năm 2018, 2019, tăng trưởng kinh tế tích cực hơn 7% thì tăng trưởng tín dụng cũng chỉ ở mức 13 - 14%.
Cùng với đó các cân đối vĩ mô quan trọng như lạm phát, tỷ giá đều ổn định. Do đó, cần cân đối tăng trưởng tín dụng và sức hấp thụ của nền kinh tế cho năm 2024. Việc áp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn là cần thiết ở giai đoạn này.
Để giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy tín dụng thực chất thì việc công khai lãi suất như yêu cầu của Thủ tướng và NHNN là điều hợp lý. Trong giai đoạn đầu của COVID-19, lãi suất được định hướng giảm nhanh để hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, lãi suất cho vay lại giảm chậm hơn lãi suất huy động rất nhiều.
Điều này khiến cho ngành ngân hàng có được tăng trưởng lợi nhuận cao trong khi người dân và các doanh nghiệp thì điêu đứng vì dịch bệnh. Công khai lãi suất cho vay sẽ trao quyền lực thị trường cho người dân và doanh nghiệp để gây áp lực lên các NHTM phải điều chỉnh lãi suất cho thực chất.
Lo ngại tăng trưởng tín dụng sẽ bị ảnh hưởng bởi giới hạn cho vay theo Luật tổ chức tín dụng sửa đổi tôi cho rằng không có cơ sở.
Theo Luật mới thì tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho một khách hàng vượt quá 10% vốn tự có (giảm từ 15%) và một khách hàng và người có liên quan 15% (giảm từ 25%). Quy định này trước tiên không ảnh hưởng đến nhóm SME và khách hàng cá nhân, nhóm có số lượng đông đảo nhất.
Với các doanh nghiệp lớn, chúng ta cần hiểu rằng doanh nghiệp lớn thực chất, tức là doanh nghiệp có bề dày lịch sử, có năng lực cạnh tranh và dòng tiền tốt thì có rất nhiều ngân hàng muốn cho vay. Các ngân hàng thường phải cạnh tranh bằng lãi suất thấp để có được các khách hàng này.
Còn nếu một doanh nghiệp lớn nào đó đang là khách hàng “ruột” của một ngân hàng mà khi ngân hàng đó “buông” lại không có ngân hàng nào muốn cho vay thì phải đặt câu hỏi rằng doanh nghiệp đó có lớn thực chất hay không và quản trị rủi ro của ngân hàng đó có thực sự tốt không. Vì vậy, việc giảm hạn mức tối đa cho vay sẽ có tác dụng giảm thiểu rủi ro và tăng chất lượng tín dụng.
Dù tín dụng giảm trong tháng đầu năm nhưng tôi cho rằng tín dụng sẽ khởi sắc ngay từ đầu năm do đà hồi phục kinh tế từ cuối năm 2023 vẫn còn tiếp diễn.
Chúng ta có thể quan sát chỉ số PMI liên tiếp trên mức 50 mức thể hiện sự tăng trưởng, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng 38,6% và đặc biệt là xuất khẩu. Xuất khẩu 2 tháng đầu năm tăng tới 19,2% trong khi cùng kỳ giảm 10,4%.
Nhu cầu tín dụng tăng khiến thanh khoản ngân hàng đã có dấu hiệu căng. Lãi suất huy động đã có tín hiệu chạm đáy khi một số ngân hàng tăng lãi suất huy động. Trong bối cảnh vậy, việc định hướng giảm và giữ lãi suất cho vay ở mức thấp càng trở nên cần thiết để tín dụng thực sự là động lực tăng trưởng kinh tế.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Chuyên gia Kinh tế - Tài chính