Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I vừa được Cục Thống kê (GSO) công bố. Tính đến ngày 25/3, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,49%. Cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng tín dụng ở mức 0,26%. Như vậy, sau gần 3 tháng, tín dụng đã tăng gấp gần 10 lần.
Đồng thời, đến ngày 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,36% so với cuối năm 2024. Cùng kỳ năm ngoái, huy động từng giảm 0,76%, giảm trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng tiếp tục đi xuống.
Lãi suất cho vay bình quân trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7-9%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,9%/năm.

Tín dụng tăng 2,49% gần cuối quý I (Ảnh: Mạnh Quân).
Cục Thống kê nhận định tín dụng tiếp tục được định hướng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% năm nay, trước đó Ngân hàng Nhà nước cho biết hạn mức tăng trưởng tín dụng của từng đơn vị sẽ dựa vào kết quả chấm điểm xếp hạng năm 2023 theo quy định tại Thông tư 52, nhân với hệ số áp dụng chung cho các ngân hàng.
Đơn vị này đã đề ra các giải pháp như yêu cầu các ngân hàng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn.
Nhà điều hành sẽ chủ động điều chỉnh chỉ tiêu, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng cung ứng đủ và kịp thời vốn cho nền kinh tế mà không cần có văn bản đề nghị.
Đồng thời, cơ quan quản lý này nói tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng theo Nghị quyết 62.
Nhà điều hành yêu cầu các nhà băng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng quy định trên cơ sở phù hợp với năng lực quản trị rủi ro, tình hình thanh khoản và khả năng huy động vốn. Tăng trưởng đảm bảo an toàn hoạt động, tín dụng đi vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ. Nguồn tín dụng cần được kiểm soát chặt vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng được yêu cầu tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số... để có dư địa tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.