Bất động sản

Tín dụng kinh doanh bất động sản tăng mạnh, ngân hàng khẳng định vẫn rót vốn cho dự án tiềm năng

(Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

Tín dụng kinh doanh bất động sản hết 8 tháng đã vượt xa tốc độ tăng trưởng 10,73% của cả năm 2022 là con số bất ngờ được công bố mới đây.

Cụ thể, Bộ Xây dựng dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết dư nợ kinh doanh bất động sản đến cuối tháng 8 đạt 986.477 tỷ, tăng 22% so với đầu năm (hơn 803.000 tỷ đồng). Lũy kế 8 tháng, có hơn 186.000 tỷ đồng tín dụng chảy vào kinh doanh bất động sản, chiếm hơn 28% tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế.

Theo số liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố đến cuối tháng 7, tổng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, tăng gần 5% so với đầu năm do nhu cầu vay mua nhà đất giảm mạnh. Có thể nói tín dụng tập trung ở phía cung của thị trường, tức cho vay chủ đầu tư dự án.

(Nguồn: SBV, H.L tổng hợp).

Khảo sát báo cáo tài chính quý III/2023 của nhiều ngân hàng cho thấy, dư nợ tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản tăng mạnh so với đầu năm.

Techcombank là ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản cao nhất ngành. Trong cơ cấu tài sản sinh lãi tại thời điểm cuối quý III/2023, có đến 75% đến từ mảng tín dụng, bao gồm cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp.

Tín dụng 9 tháng đầu năm của ngân hàng này tăng trưởng 13,5% so với đầu kỳ, chủ yếu đến từ phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn (trong đó 71% là các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng với 223.650 tỷ đồng). Riêng cho vay kinh doanh bất động sản ghi nhận gần 160.238 tỷ đồng (chiếm 34,63% tổng dư nợ), tăng nhẹ so với cuối quý II nhưng tăng 47% so với đầu năm (tương đương tăng thêm hơn 51.000 tỷ).

Về cơ cấu cho vay khách hàng cá nhân, khoảng 79% danh mục (165.900 tỷ đồng) của Techcombank là cho vay khách hàng mua nhà, tăng nhẹ so với quý II. Trong đó, tín dụng cho vay mua nhà thứ cấp ghi nhận tăng 11,3%.

Trong buổi cập nhật kết quả kinh doanh mới đây, phía ngân hàng cho biết trong bối cảnh cầu tín dụng chung của toàn nền kinh tế khá yếu, các khách hàng của Techcombank vẫn có nhu cầu rút vốn nên việc giải ngân cho vay rất tốt.

Những dự án Techcombank cho vay đều là những dự án có tiềm năng triển khai mở bán và tăng trưởng. Do đó, các khách hàng doanh nghiệp vẫn tự tin rút vốn để triển khai dự án, chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh trong những kỳ tiếp theo. 

“Nợ xấu bất động sản của khối khách hàng doanh nghiệp (chủ đầu tư) tại Techcombank hiện nay không có. Khi nhìn vào hiệu quả kinh doanh của ngân hàng, chuỗi giá trị bất động sản vẫn có khả năng sinh lời cao nhất. Chúng tôi không nhìn vào khả năng sinh lời của một chủ đầu tư bất động sản mà nhìn vào cả chuỗi giá trị. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, đương nhiên khả năng sinh lời sẽ giảm đi.

Nhìn ở khía cạnh vĩ mô về nhu cầu của thị trường bất động sản, nhu cầu nhà ở của người dân vẫn rất lớn. Tỷ lệ % có sở hữu nhà ở của người Việt Nam so với các nước trong khu vực còn rất thấp. Do đó, dư địa phát triển thị trường bất động sản còn rất lớn. Tôi tin rằng thị trường sẽ quay trở lại nhưng nếu nói thị trường sẽ phục hồi mạnh mẽ ngay trong năm nay thì tôi nghĩ là chưa.

Do đó, trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm như hiện nay cũng không có gì phải lo lắng về rủi ro của lĩnh vực này trong hoạt động của Techcombank”, ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp Techcombank khẳng định.

(Nguồn: Báo cáo KQKD của Techcombank 9 tháng đầu năm 2023).

Tương tự, nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng cho kinh doanh bất động sản cao. Tại ngân hàng SHB, dư nợ kinh doanh bất động sản tính đến cuối tháng 9 hơn 67.620 tỷ đồng (chiếm 16,08% trong tổng dư nợ), tăng 115% so với đầu năm (31.493 tỷ đồng, chiếm 6,75%).

Cùng thời điểm, tại HDBank, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 70% lên 35.668 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,22% trong tổng dư nợ.

Tín dụng kinh doanh bất động sản tính tới cuối tháng 9 tại VPBank cũng tăng 45% lên hơn 98.192 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,83% tổng dư nợ. Trong khi đó, cho vay cá nhân mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất mua nhà ở chỉ tăng 6,6% (chiếm 16,96%), ghi nhận hơn 88.447 tỷ đồng.

(Nguồn: VBMA).

Ngân hàng tăng cho vay chủ đầu tư bất động sản trong bối cảnh thanh khoản thị trường vẫn tắc, thị trường trái phiếu còn nhiều khó khăn, áp lực đáo hạn vẫn lớn và các chủ đầu tư đang phải vật lộn với bài toán dòng tiền.

Theo số liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý III đã cải thiện đáng kể về khối lượng phát hành khi tăng 39 % lên 92.863 tỷ đồng. Tuy nhiên, chiếm chủ đạo là nhóm ngân với 48,343 tỷ đồnn. Nhóm bất động sản chỉ chiếm 29.847 tỷ đồng.

Trong quý III, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn lượng trái phiếu trị giá 55.963 tỷ đồng, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm bất động chiếm 10,4%, tương đương 5.821 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bất động sản công bố huy động được khoảng 57.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Con số này đã vượt cả năm 2022 nhưng vẫn ở mức thấp nếu so với giai đoạn 2020 - 2021.

Trong Công điện ban hành ngày 24/10, Thủ tướng Chính phủ nhận định thị trường bất động sản vẫn còn một số khó khăn. Để tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản, có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất.

Đồng thời tiếp tục rà soát cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn. Có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi, tiến độ triển khai nhanh, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy thị trường bất động sản…

Cùng chuyên mục

Đọc thêm